Ga Lào Cai hiện có năng lực đón gửi 20 đôi tàu mỗi ngày đêm, năng lực xếp dỡ 3 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều năm nay, hàng hóa được xuất khẩu qua đây lại chỉ đạt được khoảng 1/3, tương đương khoảng 1 triệu tấn. Nguyên nhân là do đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu chưa được kết nối nên năng lực vận tải qua ga Lào Cai vẫn thấp so với tiềm năng.
Anh Tiến là đại diện của một doanh nghiệp vận tải thường xuyên xuất khẩu hàng từ Hải Phòng sang Vân Nam, Trung Quốc. Tháng 11 này, anh chủ yếu vận tải lưu huỳnh, trung bình 450 tấn/ngày. So với những doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp anh phải phát sinh thêm một loại chi phí là sang tải.
Khi hàng đến Lào Cai, anh phải thuê máy móc, nhân công để mở thùng, chuyển hàng sang toa hàng mới, từ đó, hàng mới có thể sang được Vân Nam. Nguyên nhân là đường sắt chưa được kết nối.
Năng lực vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu bằng đường sắt còn hạn chế do khổ đường hẹp. Ảnh: Báo Lào Cai
Không chỉ riêng doanh nghiệp của anh Tiến mất 10 tiếng để sang tải mỗi ngày, rất nhiều doanh nghiệp vận tải khác qua ga Lào Cai cũng phải chịu chi phí sang tải như thế.
Hàng hóa khi đến ga Lào Cai phải tạm dừng tại đây, sau đó phải sang tải từ toa xe màu đỏ sang toa xe màu xanh, do đường sắt Việt Nam vẫn sử dụng khổ đường sắt nhỏ là 1m, trong khi đường sắt Trung Quốc dùng khổ đường sắt lớn hơn. Điều này khiến cho hàng hóa đến đây phải dừng lại 1 ngày trước khi sang Trung Quốc.
Đường sắt Hà Nội - Lài Cai được xây dựng từ năm 1906, với khổ đường 1m. Trong khi đó, hiện Trung Quốc đã đổi sang khổ đường sắt hơn 1,4m. Chính vì sự khác nhau này mà hàng hóa phải dừng lại, phát sinh thêm chi phí, thời gian và hao hụt hàng hóa.
Vì vậy, khi đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu được kết nối, các chuyến tàu này sẽ chạy thẳng mà không mất thời gian dừng lại sang tải, từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải, thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường sắt giữa hai nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!