Kể từ ngày 27/6, bắt đầu tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại khu vực Hòn Mun để tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng. Các giải pháp cứu san hô đang là tâm điểm chú ý của nhiều người, bởi Hòn Mun từng được ví là "thiên đường san hô" - nơi có đến 350 loài san hô, chiếm 40% loài san hô trên thế giới.
Bến tàu du lịch Nha Trang vẫn tấp nập khách sau khi có thông báo tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển ở khu vực Hòn Mun. Nhưng, những du khách chủ yếu tham quan trên vịnh Nha Trang chứ không lặn biển.
Những tàu lâu nay thường chở khách lặn biển Hòn Mun, giờ buộc phải chuyển hướng. Tiếc khi còn cơ hội lặn biển ngắm san hô nhưng cả du khách lẫn người làm du lịch đều cho rằng: việc tạm ngừng lặn biển ở Hòn Mun là cần thiết với hy vọng cứu lấy san hô.
Hòn Mun từng được ví là "thiên đường san hô"
Kết quả khảo sát của Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đầu năm nay cho thấy: so với năm 2015, rạn san hô Hòn Mun đã suy giảm nghiêm trọng. Tại nhiều khu vực, độ phủ san hô từ chỗ trên 50% giờ chỉ còn trên dưới 10%.
Theo nhận định ban đầu của các nhà khoa học: san hô bị suy giảm ở Hòn Mun là quá trình tích lũy từ nhiều năm. Nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của bão số 12 năm 2017 và bão số 9 năm 2021. Nguyên nhân chủ quan là những tác động của con người, cụ thể là các hoạt động xây dựng ven biển gây trầm tích, chất thải gây ô nhiễm, các hoạt động khai thác hủy diệt.
Theo kế hoạch, những ngày tới, Ban Quản lý vịnh Nha Trang phối hợp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga khảo sát hệ sinh thái Hòn Mun - vùng lõi khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang để có những đánh giá khoa học, sau đó sẽ đề xuất những giải pháp cấp bách phục hồi rạn san hô tại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!