Khi "Kế hoạch nhỏ" nhưng áp lực lớn

Tuấn Anh-Thứ tư, ngày 17/04/2024 13:39 GMT+7

VTV.vn - Phụ huynh có con học tiểu học đang trong một cuộc đi tìm giấy vụn cho phong trào Kế hoạch nhỏ. Đã đến lúc Kế hoạch nhỏ cần những thay đổi lớn.

Gần đây, câu chuyện một trường tiểu học tại Hà Nội phát động chương trình Kế hoạch nhỏ gây xôn xao trên cộng đồng mạng. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu mỗi học sinh phải thu gom và nộp tối thiểu 2kg giấy các loại, đồng thời nhấn mạnh học sinh nào quên thì phụ huynh sẽ phải mang tới nộp.

Nếu quên không mang tới nộp thì phụ huynh sẽ bị phạt 50.000 đồng/kg giấy. Như vậy, "kế hoạch nhỏ" thực sự dành cho ai? Hoạt động này có thực sự mang lại niềm vui và ý nghĩa giáo dục tới con trẻ?

Khi Kế hoạch nhỏ nhưng áp lực lớn - Ảnh 1.

Nhìn lại lịch sử, vào ngày 2/12/1958, phong trào Kế hoạch nhỏ ra đời do Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức, được thực hiện ở các tỉnh phía Bắc để hỗ trợ các em nhỏ miền Nam.

Các hoạt động chủ yếu khi đó là thu hồi giấy, phế liệu, tăng gia, trồng cây, nuôi gia cầm, "trồng một cây, nuôi một con"… thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình".

Mục đích cuối cùng của phong trào Kế hoạch nhỏ không chỉ dừng lại ở xây dựng được nên những công trình mà còn giúp học sinh có ý thức và rèn thực hành tiết kiệm từ nhỏ, biết bảo vệ môi trường, nối dài truyền thống tương thân, tương ái của thiếu nhi toàn quốc.

Theo thời gian, thói quen sử dụng giấy ít đi, việc tăng gia, trồng cây cũng không còn là ưu tiên của con trẻ thì những "việc nhỏ" của các em học sinh cũng đã thay đổi. So với mục đích cao nhất của chương trình Kế hoạch nhỏ thì thực tế lại đang cho thấy điều ngược lại. Thay vì ý nghĩa và niềm vui thì chính áp lực KPI đủ 2 - 5kg giấy hay deadline phút chót khiến 'Kế hoạch nhỏ" trở nên hình thức và đối phó.

Gian nan hành trình đi tìm giấy vụn cho con

Mỗi lần "Kế hoạch nhỏ" được phát động tại trường của con, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại gia nhập cuộc đua: Săn tìm giấy. Khi việc thu gom tại nhà không đủ thì phải "săn tìm" từ công ty cho đến hàng xóm. Với tối thiểu 5kg giấy vụn phải thu thập, chưa bao giờ là dễ dàng đối với chị.

Khi Kế hoạch nhỏ nhưng áp lực lớn - Ảnh 2.

"Đi mua, đi xin. Gia đình mà không có sự chuẩn bị trước thì không thể chuẩn bị được. Trong lớp có bạn 5kg, 10kg, có bạn mấy chục kg mà con nhà mình có 2kg thì rất áp lực", chị Nhung cho hay.

Anh Nguyễn Hải Đăng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Đôi khi thực sự không để tâm đến những dự án nhỏ như vậy, con phải giục mình thì mình mới cuống cuồng đi chuẩn bị cho con. Bí quá có khi phải ra mua ở quán sắt vụn để con mang đi đến trường".

Linh hoạt áp dụng Kế hoạch nhỏ

Nếu nhìn Kế hoạch nhỏ ở một góc nhìn khác và tiếp cận các em học sinh ở một lộ trình khác thì chúng ta sẽ phải bất ngờ về "tài sản" mà các em có thể đóng góp được cho dự án "Kế hoạch nhỏ".

Khi Kế hoạch nhỏ nhưng áp lực lớn - Ảnh 3.

Thay vì chỉ thu gom giấy vụn, những chai lọ nhựa, những viên pin đã qua sử dụng cũng có thể ủng hộ cho phong trào. Hoặc, các trường tổ chức thêm những hoạt động bên lề như "Đổi giấy lấy cây". Thông qua những hoạt động này sẽ giúp con trẻ có ý thức và hiểu được nhiều hơn về việc bảo vệ môi trường, cũng như bản chất ý nghĩa của chương trình "kế hoạch nhỏ"

Muốn đạt được thực chất thì chúng ta phải chú trọng vào quá trình và cũng cần minh bạch thông tin về quá trình này. Đã đến lúc phải thay đổi nhưng là sự phối kết hợp của cả 4 bên: nhà trường, phụ huynh, môi trường xã hội và bản thân các em học sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước