Khi lễ hội trở thành chốn xô bồ

Thùy Dương, Diễm Hương, Tiến Vũ, Hoàng Oanh-Thứ năm, ngày 20/02/2025 19:58 GMT+7

Tự động phát sau
1
Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Lễ hội đầu năm, dịp cầu bình an và tôn vinh giá trị văn hóa, nhưng hiện nay không khí thanh tịnh nơi đền, chùa đang bị xâm chiếm bởi thương mại hóa, hành vi thiếu ý thức.

Mùa lễ hội đầu năm là thời điểm để người Việt thể hiện lòng thành kính và cầu mong bình an, sức khỏe cho gia đình. Đây cũng là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa và tâm linh, tạo ra một không gian yên bình và thanh tịnh. Tuy nhiên, hiện nay, không ít lễ hội đã trở thành nơi xô bồ, mất đi không khí linh thiêng vốn có, khi mà hoạt động thương mại hóa dịch vụ tâm linh và những hành vi thiếu ý thức đang ngày càng gia tăng.

Một trong những hình ảnh dễ nhận thấy tại các lễ hội hiện nay là sự chen lấn, xô đẩy của dòng người đi lễ. Tại nhiều ngôi đền, chùa, dù bảng chữ "Đề nghị quý khách không khấn to" đã được đặt ngay chính điện, nhưng rất ít người quan tâm. Không gian yên tĩnh vốn có của những nơi này giờ đây bị xâm chiếm bởi tiếng quát mắng, sự ồn ào, và những hành động thiếu tôn trọng.

Khi lễ hội trở thành chốn xô bồ - Ảnh 1.

Ngoài sự xô bồ của đám đông, dịch vụ cúng thuê cũng góp phần làm tăng thêm sự hỗn loạn tại các địa điểm linh thiêng. Chỉ với một cuốn sổ, một chiếc đĩa nhỏ và hai đồng tiền cổ, những người hành nghề cúng thuê có thể dễ dàng thu hút người đi lễ và thực hiện các nghi lễ thay cho họ. Những người này không cần phải lên tên, chỉ cần hành lễ hộ và người thuê chỉ việc "tán lộc tùy tâm", với mức chi phí từ 300.000 đến 700.000 đồng cho mỗi lễ.

Cảnh tượng lễ hội đông đúc, tiếng khấn của những người cúng thuê, đã phá vỡ không khí thanh tịnh nơi cửa Phật.

Khi lễ hội trở thành chốn xô bồ - Ảnh 2.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trang, Trưởng Ban Quản lý Di tích Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) cho biết: "Chúng tôi không thể nào bảo phải khấn nhỏ đi, chính bản thân khách còn yêu cầu là chị phải khấn cho to lên để chúng tôi nghe rõ vì chúng tôi đã nhờ chị cúng".

Mặc dù chính quyền và ban quản lý các di tích đã triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu các hành vi sai trái, như việc lắp đặt 67 camera an ninh và dựng bảng chỉ dẫn tại các điểm lễ hội, nhưng tình trạng cúng thuê vẫn không thuyên giảm. Chỉ khi người đi lễ không còn nhu cầu thì vấn nạn này mới có thể được giải quyết triệt để.

Khi lễ hội trở thành chốn xô bồ - Ảnh 3.

Chị Bùi Thị Thảo, một du khách đến từ Quảng Ninh, chia sẻ: "Có tâm thì ở đâu Phật cũng chứng, không cần phải đến sát và gào ầm lên...".

Đền, chùa vốn là nơi trang nghiêm, yên tĩnh để con người tìm đến mong cầu sự an yên. Đi chùa đầu năm cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin vào tín ngưỡng, tôn giáo mà họ muốn và thực thi giáo lý một cách có hiểu biết cũng chính là góp phần giữ gìn và phát huy tốt nhất những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước