Ở đằng xa, thấp thoáng trong làn khói trắng là những chiếc máy bay nhấp nháy đèn tín hiệu đang hạ cánh. Nhưng để đến được đường băng, phải bay qua những thửa ruộng đang cháy rừng rực do đốt rơm, khói trắng mù mịt bốc lên không trung.
Do biết ảnh hưởng, những người nông dân này từng thử nhiều cách, dùng chế phẩm sinh học biến gốc rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh. Tuy nhiên, người trồng phải nắm vững kỹ thuật phối trộn nguyên liệu, thời gian ủ rơm, kích men. Khi các mô hình, dự án kết thúc, kinh phí hỗ trợ không còn thì cũng chẳng có mấy người tiếp tục theo đuổi hình thức xử lý này.
Loay hoay tìm cách nhưng chung quy chẳng có cách nào khác ngoài việc đốt bỏ hết đi. Song theo các chuyên gia, việc đốt rơm rạ dù bằng hình thức nào vẫn là nguyên nhân khiến cho không khí ô nhiễm ngày càng nặng hơn, chưa kể còn gây lãng phí tài nguyên.
"Rơm rạ để ngoài ruộng nếu không xử lý, không thu lại nên chỉ có mỗi con đường đốt. Nhưng thật ra rơm rạ là nguồn năng lượng tái tạo rất lớn. Bây giờ, chúng ta phải xem lại chính sách năng lượng tái tạo, rà soát lại. Khi có chính sách năng lượng tái tạo kích thích việc người nông dân thu hoạch rơm rạ bán để lấy tiền cho nhà máy thì tôi nghĩ việc đó có thể giải quyết được" - PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho hay.
Cảng vụ hàng không miền Bắc đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn có biện pháp ngăn chặn đốt rơm rạ, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi tiếp cận hạ cánh xuống sân bay. Thế nhưng, "đến hẹn lại lên", cứ vào mùa gặt, làn khói bụi từ đốt rơm rạ vẫn cuộn bốc lên không trung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!