Không chủ quan với bão số 3, triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn

Nguyễn Bắc-Thứ bảy, ngày 07/09/2024 08:10 GMT+7

VTV.vn - Bão số 3 (Yagi) đang duy trì cường độ rất mạnh. Lực lượng chức năng hiện đang triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện tại khu vực ven biển.

Bão số 3 vẫn đang duy trì cường độ của một cơn bão rất mạnh. Đây có thể là một trong những cơn bão mạnh nhất trong khoảng 20 năm gần đây. Tất cả các địa phương ven biển, đồng bằng Bắc Bộ nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn siêu bão này đã cấm biển, dừng các cuộc họp không cấp bách, cho học sinh nghỉ học và tập trung, phương tiện, nhân lực khẩn cấp ứng phó với dự báo số 3 hay tên quốc tế là Yagi. Cục Hàng không Việt Nam đã có quyết định tạm dừng khai thác 4 sân bay và ngành đường sắt dừng chạy 10 đoàn tàu để tránh bão Yagi. Trên khu vực Vịnh Bắc Bộ, ven biển, các địa phương rà soát kỹ, đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm.

Trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về ứng phó với bão số 3 có nhấn mạnh là cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chống bão. Do đó, thời điểm này toàn bộ các lực lượng đều đang ứng trực tại các điểm xung yếu với tinh thần chống bão cao nhất.

"Chúng tôi đã cử cán bộ tham gia hai đoàn công tác của Chính phủ và một đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu. Về công tác cảnh báo, hướng dẫn tổ chức chỉ đạo các đơn vị tổ chức bắn pháo hiệu tại 22 điểm theo quy định của Chính phủ. Đến thời điểm này các tàu thuyền hoạt động ở trên biển đã về nơi tránh trú an toàn, 100% các loại phương tiện đã được neo đậu các bến và tổ chức kiểm soát chặt chẽ theo lệnh cấm biển của các địa phương. Về khách du lịch trên các đảo Cô Tô và Cát Bà cũng đã được các đơn vị quân đội tham mưu phối hợp địa phương hỗ trợ đưa vào đất liền 100% an toàn trước 12h trưa. Về nuôi trồng thủy sản ven bờ, theo thống kê chưa đầy đủ, ven biển từ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có hơn 7120 lồng bè, chòi canh và gần 7000 lao động đã được các đơn vị quân đội phối hợp với lực lượng thủy sản địa phương hỗ trợ chằng chống, di chuyển đến vị trí tránh bão và tuyên truyền, vận động, yêu cầu các lao động lên bờ để đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ", Thiếu tướng Lã Đại Phong, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết.

Không chủ quan với bão số 3, triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn - Ảnh 1.

"Sau bão số 7 năm 2005, các tuyến đê biển đã được đầu tư nâng cấp nhưng do nguồn kinh phí có hạn và nhu cầu cao nên nhiều tuyến đê mới chỉ được đầu tư chống được bão cấp 9, cấp 10, chiều 5%. Theo dự báo, cơn bão số 3 đổ bộ cấp 11, cấp 12, giật cấp 15. Với cấp độ như vậy nguy cơ rất cao mất an toàn các tuyến đê. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai phương án bảo vệ các tuyến đê, nhất là các vị trí trọng điểm, xung yếu, đồng thời tập trung nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Tuy nhiên, những vị trí xung yếu, chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm, lưu ý và phải có phương án để ứng cứu kịp thời", ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Không chủ quan với bão số 3, triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn - Ảnh 2.

Theo Thiếu tướng Lã Đại Phong, chỉ tính riêng lực lượng quân đội, đến 15h ngày 6/9/2024 đã có tổng số 457.469 người và 10.124 phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống.

Khi có mưa lớn diện rộng, khu vực miền núi là vùng có nguy cơ lớn xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Đặc biệt, những vùng đã từng xảy ra lũ quét và sạt lở đất lại càng trở nên nguy hiểm hơn. Không chỉ đe dọa về người và tài sản, nguy cơ đứt gãy giao thông hoàn toàn hiện hữu, ảnh hưởng lớn đến công tác cứu hộ, cứu nạn trong và sau bão.

Theo ông Phạm Đức Luận, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ do hoàn lưu của cơn bão số 3 có lượng mưa từ 100 – 350mm, có nơi trên 500mm. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua các khu vực miền núi phía Bắc đã có mưa lớn kéo dài ngày. Do đó đất đá, bão hòa nước. Tiếp tục trong thời gian tới, do hoàn lưu của bão số 3, mưa to xuống khu vực này, nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Ở các khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, các địa phương cũng đã rà soát. Tuy nhiên, cần tiếp tục huy động lực lượng xung kích cơ sở, tiếp tục rà soát lại những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét để di dời người dân đến nơi an toàn. Những nơi ách tắc dòng chảy, cần khơi thông để tránh bị tắc nghẽn dòng chảy, giống như một túi nước khi bị bục có thể gây ra lũ ống, lũ quét.

Theo Thiếu tướng Lã Đại Phong, nên sử dụng lực lượng "4 tại chỗ" tại các địa phương xảy ra sạt trượt. Trong trường hợp vượt quá khả năng, lực lượng quân đội của các quân khu, quân đoàn đóng quân và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, vùng bị sạt trượt sẽ tăng cường lực lượng để hỗ trợ cho bà con nhân dân ở khu vực đó.

"Hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa to đến rất to và nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở miền núi, ngập lụt đô thị, ngập úng diện tích lúa rất lớn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ khoảng gần 1 triệu hecta lúa và hoa màu. Theo dự báo, lũ ở các triền sông sẽ lên. Vì vậy, các địa phương cần rà soát và triển khai ngay các phương án ứng phó. Đặc biệt quan tâm đến việc sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tại các đô thị, cần cảnh báo người dân về tình trạng cây xanh bật gốc, gãy đổ, tôn bay kính, vỡ kính ở các nhà cao tầng. Khi gió to quăng quật những đồ có thể gây vỡ và có thể kính rơi xuống. Biển quảng cáo không treo cẩn thận có gió to sẽ gãy đổ, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Các cẩu tháp cao cũng đã có tình trạng gãy đổ cẩu tháp khi có gió lớn. Nên cảnh báo người dân khi hoàn lưu của bão gây mưa to có thể gây ngập lụt đô thị, quá trình lưu thông rất khó khăn và thậm chí là không lưu thông được", ông Phạm Đức Luận cho biết thêm.

Cũng theo Thiếu tướng Lã Đại Phong, lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở khu đô thị ngoài lực lượng "4 tại chỗ" còn có các lực lượng của công an cứu nạn, cứu hộ, các lực lượng công ty cây xanh, lực lượng của quân đội đóng quân trên địa bàn cũng sẵn sàng tham gia để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

"Mặc dù đã được chính quyền, các lực lượng chức năng khuyến cáo, ngăn cấm nhưng tiếc là trong thời gian vừa qua, có rất nhiều trường hợp thiệt mạng do chủ quan như cố tình đi qua các ngầm tràn, nước sâu chảy xiết không an toàn hay là đi vớt củi, đánh bắt cá khi có mưa lũ. Thậm chí có nhiều người hiếu kỳ xem bão đổ bộ. Quan điểm của tôi là chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh. Tại các ngầm tràn nước sâu chảy tiếp, tổ chức canh gác và tuyệt đối không cho bà con qua lại, thậm chí cưỡng chế. Trong thời gian bão đổ bộ nên cấm các phương tiện không đi ra ngoài đường để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra", ông Phạm Đức Luận bày tỏ.

Thiên tai là không thể lường trước được nhưng nếu có công tác dự báo tốt, chủ động ứng phó tốt sẽ bảo vệ được tính mạng người dân và giảm thiểu thiệt hại về tài sản, không lặp lại những vụ tai nạn thảm khốc như trước đây. Quan trọng nhất là cần tránh tâm lý chủ quan không chỉ đối với cơn bão số 3 này mà còn với những cơn bão khác, những loại hình thiên tai khác. Bởi mùa mưa bão cuối năm nay được dự báo là khốc liệt và cực đoan hơn nữa.

Cùng trao đổi chủ đề này trong Chương trình Vấn đề hôm nay là Thiếu tướng Lã Đại Phong, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước