Ngày 28/2 tính ra đã là 1 tuần TP Hà Nội ra quân để xóa bỏ các điểm chiếm dụng trái phép vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ xe, với phương châm "giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ". Trong ngày ra quân, nhiều đoạn vỉa hè đã sạch bóng xe cộ, sạch bóng bàn ghế, hàng ăn.
Phố Tạ Hiện thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm là tuyến phố tập trung nhiều hàng quán ăn nhậu. Thời gian trước, để đi bộ qua đây không phải điều dễ dàng. Nhưng chỉ sau 1 tuần thực hiện cao điểm, không gian thoáng đãng của khu phố cổ đã được trả lại vẻ vốn có.
Không chỉ dẹp hàng quán vỉa hè, phường Hàng Buồm còn kiên quyết xử lý các biển quảng cáo không đúng quy định, cũng như gây cản trở giao thông, mỹ quan đô thị. Gần 100 bảng hiệu đã bị cưỡng chế gỡ bỏ, thu giữ trong đợt cao điểm.
Sau hơn 1 tuần triển khai ra quân dành lại vỉa hè cho người dân, nhiều tuyến phố đã được trả lại không gian đi bộ vốn có. Tuy nhiên thực tế đến nay, nhiều tuyến phố vẫn được người dân tận dụng từng mét vỉa hè để kinh doanh, buôn bán như tuyến phố Hàng Chiếu chả hạn.
Việc chiếm dụng vỉa hè là tài sản, là công trình công cộng để kinh doanh, bán hàng… mang lại nhiều lợi nhuận cho người lấn chiếm. Ước tính số tiền để thuê 1m2 cửa hàng mặt phố đắt như thế nào để có thế hình dung về phần nào số tiền mà những người chiếm dụng vỉa hè có thể có được. Nhất là vỉa hè tại các tuyến phố sầm uất, các quận trung tâm Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Vì ở những nơi đó, tiền thuê một mặt bằng kinh doanh có khi lên đến cả trăm triệu đồng…
Trước đây ít năm, trên báo chí đã xuất hiện khái niệm "tham nhũng vỉa hè", ở một khía cạnh nào đó, việc người dân, tổ chức và doanh nghiệp chiếm dụng vỉa hè vốn là tài sản công, là một kết cấu hạ tầng đô thị để mang lại lợi ích cho cá nhân cũng có thể coi là một hình thức tham nhũng. Và để cho nhóm lợi ích này "tham nhũng" vỉa hè công khai như hiện nay, chắc chắn phải có sự câu kết, bảo kê của những người có trách nhiệm ở địa phương có vỉa hè bị chiếm dụng.
Việc vỉa hè bị chiếm dụng để kinh doanh hàng quán và điểm để xe đem lại lợi ích lớn cho một nhóm người, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cộng đồng. Đó là nhiều người không có nơi đi bộ an toàn, phải đi xuống lòng đường mất an toàn, thậm chí không ít người đã bị tai nạn. Mặt khác, vỉa hè bị chiếm dụng làm mất mỹ quan đô thị, và những đợt chính quyền ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng sau đó tình hình lại như cũ đã làm xói mòn kỷ cương, phép nước.
Chiếm dụng vỉa hè có thể áp dụng phạt nguội
Theo một số chuyên gia, nếu không thể ra quân hàng ngày để xử phạt thì lực lượng chức năng có thể áp dụng hình thức phạt nguội.
Hà Nội đã tiến hóa rất nhiều, có rất nhiều phương tiện, công cụ có thể hỗ trợ các lực lượng thực hiện việc ra quân quản lý vỉa hè tốt hơn, ví dụ các phương tiện như camera. Có thể kiểm soát được lỗ hở vỉa hè, lòng đường không đúng phép chúng ta có thể xử lý bằng công cụ tài chính tốt hơn là công cụ hành chính
Vỉa hè sinh ra vốn là để cho người đi bộ, thế nhưng theo thời gian và theo tập quán, thì có nơi còn trở thành nơi bán hàng, quán ăn, thành chỗ gửi xe.... thậm chí đã có khái niệm "kinh tế vỉa hè". Vẫn biết vỉa hè có thể là nơi mưu sinh nuôi sống cả một gia đình, nhưng không thể vì đồng cảm mà chúng ta đồng tình với những hành vi lấn chiếm vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè là một bài toán rất khó nhưng không phải không làm được. Điều quan trọng là chính quyền có thực sự quyết liệt, không để vỉa hè là mảnh đất cho tham nhũng, tiêu cực từ đó đưa ra được các giải pháp hợp lý hợp tình để người đi bộ có vỉa hè và người dân vẫn có kế mưu sinh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!