Không dễ xử lý các hành vi vi phạm kinh doanh online

Khuất Minh, Phùng Sơn-Thứ bảy, ngày 10/12/2022 19:11 GMT+7

VTV.vn - Lý do bởi cơ quan quản lý cũng sẽ phải mất nhiều thời gian để theo dõi, xác định và chứng minh sai phạm của các cá nhân, cơ sở kinh doanh trên không gian mạng.

Xử phạt cửa hàng này, lại có cửa hàng khác vi phạm. Liên tiếp trong gần 1 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường ở cả phía Bắc và phía Nam đều đã phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu. Hầu hết đều là các mặt hàng tiêu dùng quen thuộc với người dân. Thế nhưng, để xử lý đến cùng các hành vi này lại không hề dễ dàng.

Không dễ xử lý các hành vi vi phạm kinh doanh online - Ảnh 1.

Tên miền dễ nhớ, giao diện trang web bắt mắt, chia các loại sản phẩm dễ tìm kiếm và được ưa chuộng, tất cả đều đến từ các thương hiệu điện tử gia dụng nổi tiếng của Nhật như Sanyo, Panasonic, Hitachi, Toto… Người dùng dễ dàng tìm kiếm và mua bán chỉ bằng vài cú nhấp chuột.

Tuy nhiên, ngay sau khi lực lượng chức năng kiểm tra kho tại địa chỉ số 35 Hoàng Đạo Thành, quận Thanh Xuân, Hà Nội được đăng trên trang web, các sai phạm đã được xác định.

Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước; kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu; nhiều sản phẩm không có hoá đơn chứng từ… nhưng cơ quan quản lý cũng sẽ phải mất nhiều thời gian để xác định và chứng minh sai phạm đầy đủ trên không gian mạng.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát PC03, Công an Hà Nội cũng đã thu giữ hơn 30.000 bộ quần áo thể thao giả các nhãn hiệu. Cơ sở kinh doanh do Thiều Tiến Lợi, sinh năm 1986, làm chủ, có trụ sở tại đường Trần Vĩ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Không dễ xử lý các hành vi vi phạm kinh doanh online - Ảnh 2.

Điều đáng nói là các sản phẩm quần áo, giày, găng tay có dấu hiệu giả mạo rất nhiều các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike… và quần áo các Câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng trên Thế giới.

Chủ cơ sở cũng khai nhận tất cả sản phẩm này đều được kinh doanh qua các tài khoản trên Facebook và Zalo với giá đăng bán từ 55.000 - 65.000 đồng/bộ. Để chứng minh được sai phạm, cơ quan chức năng cũng mất gần 2 tháng theo dõi thường xuyên.

Trong năm nay, mua sắm trực tuyến trong nước dự báo có thể chạm ngưỡng 60 triệu lượt. Tuy nhiên, đây là loại hình kinh doanh không có sự tiếp xúc giữa người mua, người bán, đơn vị bán hàng không cần thuê địa điểm, thậm chí không cần hàng hóa lưu kho, người mua không cần ra khỏi nhà, chỉ cần một thao tác trên thiết bị điện tử là có thể mua được. Mặc dù tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua từ đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước