Không nên đổ xô đưa trẻ đi xét nghiệm Adenovirus

Minh Đức-Thứ năm, ngày 29/09/2022 15:26 GMT+7

VTV.vn - Theo bác sĩ, việc đổ xô đưa con đi xét nghiệm Adenovirus và nhập viện là không cần thiết và gây lãng phí, thậm chí còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh khác.

Số ca mắc Adenovirus ở trẻ có xu hướng gia tăng, nhất là đã ghi nhận 7 ca tử vong tại Bệnh viện Nhi trung ương, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Chính vì vậy, khi thấy con có biểu hiện đau ốm, họ đã lập tức nghĩ đến việc đưa trẻ đi xét nghiệm Adenovirus. Theo các chuyên gia y tế, việc đổ xô đưa con đi xét nghiệm Adenovirus là không cần thiết và gây lãng phí.

Tại một số cơ sở y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm Adenovirus, có khá nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, test nhanh có giá từ 230.000-239.000 đồng, xét nghiệm Elisa có giá 390.000 đồng, xét nghiệm RT-PCR có giá từ 1,1 đến 1,2 triệu đồng.

Bác sĩ Đào Trường Giang (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khẳng định, việc xét nghiệm Adenovirus phần lớn không thực sự có ý nghĩa. Đối với một vài trường hợp cần thiết, bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm Adenovirus. Do đó, không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng cần xét nghiệm.

Theo bác sĩ Giang, Adenovirus cũng giống các loại virus khác, hiện không có thuốc đặc trị mà triệu chứng tới đâu, điều trị tới đó. Thậm chí, nhiều bệnh nhân có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Với những trường hợp này thì việc xét nghiệm là không cần thiết. Còn với những ca bệnh nặng, dựa vào kết quả xét nghiệm có thể là cơ sở để bác sĩ đưa ra chỉ định sử dụng thuốc kháng virus. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh không nên tự ý cho con đi xét nghiệm, tránh gây lãng phí, tốn kém.

Virus này thường gây ra bệnh về đường hô hấp kèm đau mắt đỏ. Các bậc phụ huynh không nên tự ý đưa con đi xét nghiệm hay mong muốn được nhập viện điều trị cho an tâm mà nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Nguyên nhân khiến số ca mắc Adenovirus gia tăng trong thời gian gần đây có thể liên quan đến thời gian giãn cách khiến trẻ phải ở trong nhà, không thể hòa nhập với cộng đồng. Điều này đã ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ đối với các loại virus, trong đó có cả Adeno. Vì vậy, sau thời gian giãn cách, khi trẻ hòa nhập với cộng đồng, "lỗ hổng" miễn dịch khiến số ca mắc tăng cao.

Bác sĩ cũng lưu ý phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị. Các loại thuốc để điều trị triệu chứng cần được uống đúng theo lứa tuổi, thuốc hạ sốt cần uống đủ liều cho từng độ tuổi khác nhau.

Đặc biệt, thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị bệnh do virus và virus Adeno gây ra. Ngược lại, thuốc kháng sinh còn khiến trẻ mệt mỏi hơn, thậm chí gây ra tình trạng kháng kháng sinh, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sau khi về nhà hoặc sau khi chạm vào các đồ vật, người lớn cần rửa tay với xà phòng, thay quần áo sạch rồi mới ôm hôn trẻ để tránh virus bám trên người lây cho trẻ. Nếu bản thân có các triệu chứng như: ho, sổ mũi…, cần đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc trực tiếp với trẻ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ cách ly ở nhà để hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang những trẻ khác. Đồng thời, các bậc phụ huynh cần tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách và cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, nên cho trẻ tiêm các loại vaccine "6 trong 1", vaccine phế cầu và cúm để không bị lây nhiễm thêm bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước