Kiểm soát động vật nhập khẩu còn nhiều lỗ hổng

Anh Thư, Quang Tiến, Duy Công-Thứ ba, ngày 13/12/2022 20:25 GMT+7

VTV.vn - So với thịt bò nhập khẩu thì việc kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm bò sống nhập khẩu đang có nhiều lỗ hổng.

Trung bình mỗi tháng, Việt Nam nhập khẩu khoảng 30.000 con bò chính ngạch hoặc dắt lậu qua các đường mòn lối mở. Sau khi vào nội địa, một số được chở thẳng đến lò mổ, số khác sẽ được đưa đi vỗ béo trước khi giết mổ.

Theo quy trình phối hợp kiểm tra, kiểm dịch động vật sống nói chung, trâu bò sống nói riêng nhập khẩu vào Việt Nam, khi động vật được vận chuyển về đến biên giới, đơn vị nhập khẩu phải khai báo với cơ quan kiểm dịch cửa khẩu. Nếu hồ sơ hợp lệ, động vật được đưa về bãi kiểm hóa cách ly để kiểm tra sơ bộ. Nếu không có dấu hiệu truyền nhiễm, phương tiện đã được tiêu độc khử trùng thì được phép vận chuyển về khu cách ly để lấy mẫu xét nghiệm bệnh.

Kiểm soát động vật nhập khẩu còn nhiều lỗ hổng - Ảnh 1.

Khi đã có giấy thì chỉ sau 8 tiếng bò sẽ được chở về tới các lò mổ ở phía Bắc. Tại đây, cán bộ thú y địa phương sẽ chỉ lấy mẫu xét nghiệm bệnh. Còn các tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến việc miếng thịt đó có chất cấm hay không, có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không thì chưa được thực hiện. Tức là, miếng thịt bò nhập về thì có kiểm tra an toàn thực phẩm, còn con bò nhập về thì chưa có quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm

Trước bất cập này, ngày 14/9, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 10 bổ sung quy định về giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm cho động vật nhập khẩu. Lâu nay, những cơ sở nhập khẩu bò từ Australia luôn phải chịu sự giám sát của nước xuất khẩu từ khâu nuôi vỗ béo đến khi giết mổ. Tuy nhiên, ngay trong nước vẫn đang thiếu vai trò giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Trần Xuân Minh, đại diện một đơn vị chuyên nhập khẩu bò sống từ Austrlia, bò nhập khẩu đưa ra phía Bắc hầu hết đổ về 2 khu giết mổ gia súc ở Phú Xuyên và Đông Anh. Do đó bổ sung chức năng cho lực lượng cán bộ thú y là rất cần thiết.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương tiêu thụ chính bò nhập khẩu. Nhận diện rõ lỗ hổng quản lý và có giải pháp kip thời sẽ là cơ sở để ngăn chặn những miếng thịt có hàm lượng chất cấm vượt mức cho phép để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước