Kỳ 2: Thủ đoạn biến “cát bẩn” thành “cát sạch”

Trần Hùng - Vũ Hoàn-Thứ ba, ngày 15/11/2022 10:03 GMT+7

VTV.vn - Các đơn vị khai thác cát đã tăng cường các con tàu “không số” và “tàu chưa được đăng kiểm” để hút cát trên sông Krông Nô.

Như Báo Điện tử VTV News đã phản ánh về tình trạng khai thác cát lộn xộn trên sông Krông Nô (một nhánh của sông Sêrêpôk) đoạn qua địa phận xã Nậm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, thời gian vừa qua, vấn nạn trên vẫn không có dấu hiệu giảm bớt. Việc cát dưới lòng sông bị khai thác quá mức không được kiểm soát trong thời gian dài đã khiến lòng sông Krông Nô lấn vào 2 bên bờ cả hàng trăm mét, nhấn chìm khu vực đất canh tác của nhiều hộ nông dân. Nhiều hộ thậm chí đã phải di dời nhà cửa nhiều lần để tránh bị sụp lún xuống lòng sông.

Thủ đoạn biến “cát bẩn” thành “cát sạch” trên sông Krông Nô 

Các tàu hút cát thường xuất phát từ bến Quỳnh Ngọc xuống khu vực xã Nậm N’Đir, sau đó quay về tập kết cát tại bãi cát Quỳnh Ngọc thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk. Từ đây, các xe tải vận chuyển cát hút được đi tiêu thụ. Điều đáng chú ý là nhiều xe có dấu hiệu quá tải, cơi nới thành thùng và không che phủ bạt đối với cát trên thùng xe trong khi di chuyển mà không bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, thậm chí đi ngang chốt tuần tra kiểm soát của Cảnh sát giao thông.

Kỳ 2: Thủ đoạn biến “cát bẩn” thành “cát sạch” - Ảnh 2.

Nhiều xe có dấu hiệu quá tải, cơi nới thành thùng, một số xe không che phủ bạt vận chuyển cát ngày đêm.

Để xác minh sự việc các phương tiện khai thác và vận chuyển cát hoạt động rầm rộ cả dưới sông cũng như trên bờ mà không có bất cứ sự tuần tra kiểm soát nào, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Trung tá Lương Xuân Ngọc - Đội trưởng Đội Cảnh sát Đường thuỷ, Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Đắk Lắk, ông cho biết: "Do đặc thù về vị trí địa lý của tỉnh, nên hoạt động đường thuỷ trên địa bàn manh mún, không liên tuyến. Hiện nay trên đoạn sông Krông Nô, có 5 đơn vị và 32 phương tiện được cấp phép khai thác cát. Đối với tình trạng các phương tiện cố tình che biển số để khai thác cát trên sông, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ đã nắm được và có các văn bản kiến nghị với Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải để có những biện pháp chấn chỉnh, đưa các phương tiện này đi đăng kiểm. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay tại Đắk Lắk là không có cơ quan chuyên môn về đăng kiểm phương tiện đường thuỷ nội địa, nên công tác này còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng trên."

Kỳ 2: Thủ đoạn biến “cát bẩn” thành “cát sạch” - Ảnh 3.

Các phương tiện vận chuyển cát hoạt động với tần suất dày đặc, phần lớn đều xuất phát từ bến Quỳnh Ngọc.

Ông Ngọc cho biết thêm, một vấn đề nan giải nữa là hiện nay Đắk Lắk chưa được công bố về tuyến giao thông đường thuỷ nội địa, nên đơn vị chỉ có thể thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, yêu cầu các chủ phương tiện ký các cam kết để tránh các trường hợp vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ là chính chứ chưa đủ cơ sở để xử lý theo hành lang pháp lý.

Cùng vấn đề nêu trên, ông Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, khu vực bãi Quỳnh Ngọc có nhiều công ty khai thác và tập kết cát về đây, gồm một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác như Trung Thiện, Phú Bình và Minh Lợi,… mỗi doanh nghiệp đều có một bãi cát riêng tại đây. Trong năm 2021 và 2022, công tác thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các doanh nghiệp này hầu như không thực hiện được do tình hình dịch bệnh COVID-19.

Kỳ 2: Thủ đoạn biến “cát bẩn” thành “cát sạch” - Ảnh 4.

Phần lớn các phương tiện hút cát đã hết đăng kiểm và chưa thể đăng kiểm do tình hình dịch COVID-19.

Ông Sỹ cho biết thêm: "Trong đề án khai thác, các phương tiện, loại tàu thuyền, công suất bơm hút các doanh nghiệp đều phải đăng ký số hiệu. Tuy nhiên, đối với tình trạng các phương tiện có tình che biển kiểm soát để nạo hút cát sai địa phận, việc kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề phương tiện và con người. Ngoài ra, khi cơ quan nhà nước tiến hành thanh tra đều phải thông báo cho đơn vị trước. Nếu không thông báo thì không thực hiện được, mà khi thông báo thì các đơn vị đã có sự chuẩn bị. Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu cho UBND các cấp bằng văn bản, trên cơ sở đó để các cơ quan chức năng thực hiện xử lý theo đúng thẩm quyền.

Ngoài ra ông Sỹ cũng cho biết có xuất hiện tình trạng "khai thác trái phép trong khu vực có phép", cụ thể là tình trạng các đơn vị được cấp phép không quản lý tốt khu vực khai thác, để các cá nhân, tổ chức khác tiến hành khai thác trái phép.

Kỳ 2: Thủ đoạn biến “cát bẩn” thành “cát sạch” - Ảnh 5.

Xuất hiện tình trạng "khai thác trái phép trong khu vực có phép".

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của nhóm phóng viên báo điện tử VTV News trong nhiều ngày qua tại bãi cát Quỳnh Ngọc, số lượng cát khai thác và vận chuyển ra ngoài bán hàng ngày của các doanh nghiệp này là không có sự kiểm soát . Mỗi ngày có cả vài chục chuyến tàu hoạt động hút và bơm cát về đây, với trọng tải bình quân của tàu là khoảng 80 tấn/tàu. Chỉ cần tính toán sơ sơ đã thấy mỗi ngày bãi cát này trung chuyển và tiêu thụ cả hàng trăm nghìn khối cát. Như vậy, việc cấp phép từ 10 năm đến 30 năm cho một đơn vị khai thác như thế được Sở Tài nguyên và Môi trường dựa vào cơ sở nào và đánh giá trữ lượng ra sao?

Ngoài ra, giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh Đắk Lắk cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn đều quy định rõ ràng về thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày là từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm. Tuy nhiên, theo những gì phóng viên ghi nhận, các đơn vị khai thác này ngay từ 2 giờ sáng đã bắt đầu huy động các phương tiện tiến hành nạo hút.

Việc khai thác cát lộn xộn và vượt hạn mức của các doanh nghiệp tại bãi Quỳnh Ngọc đã làm ngân sách nhà nước mất đi một nguồn thu lớn đối với các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế VAT cùng chi phí duy tu, sửa chữa đường sá bị huỷ hoại mà các đơn vị khai thác gây ra, chưa tính đến những hiểm hoạ ngầm ngày càng rõ rệt bao gồm sạt lở, sụt lún ở hai bên bờ do lòng sông bị xoáy sâu gây ra.

Báo Điện tử VTV News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước