Kỳ 1: Lộn xộn tình trạng khai thác cát trên sông Krông Nô

Trần Hùng - Vũ Hoàn-Thứ ba, ngày 08/11/2022 08:00 GMT+7

VTV.vn - Hàng chục hộ dân, hàng trăm hecta đất đai cùng nhà cửa dọc theo dòng sông Krông Nô bị sụt lún, cuốn trôi bởi sự hoành hành cả ngày lẫn đêm của những con tàu "không số”.

Sông Krông Nô (một nhánh của dòng Sêrêpôk) đoạn qua địa phận xã Nậm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông từ lâu đã trở thành điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép, khúc sông đã trở thành cơn ác mộng cho những hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ. Điều đáng nói, chính quyền địa phương đã nhiều lần xử lý nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm vấn nạn trên, trong khi đó phương thức "tác nghiệp" của các đơn vị khai thác cát lậu ngày càng quy mô, phức tạp.

Mục kích đại công trường khai thác cát trên sông Krông Nô

Xâm nhập đại công trường khai thác cát trên sông Krông Nô

Sau nhiều ngày dõi theo hoạt động của người và các phương tiện hút cát trên sông Krông Nô, đoạn qua địa phận xã Nậm N’Đir, phóng viên VTV News đã phát hiện hàng chục con tàu, sà lan có trọng tải khoảng 60 đến 100 tấn đang đua nhau hút cát trên khúc sông này.

Tiếng máy nổ, máy bơm rền vang từ các thuyền khai thác cát đã xé toạc không gian yên bình cả một vùng núi rừng Tây Nguyên.

Kỳ 1: Lộn xộn tình trạng khai thác cát trên sông Krông Nô - Ảnh 2.

Những phương tiện hút cát của công ty TNHH Xuân Bình và công ty TNHH Phú Bình hoạt động trong “đại công trường cát” trên sông Krông Nô

Chiếu theo tấm bản đồ phân định địa giới hành chính, thì vị trí khai thác cát này nằm giáp ranh 3 huyện: huyện Lăk, huyện Krông Nô và huyện Krông Ana, đồng thời cũng là khu vực tiếp giáp giữa 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Lợi dụng vị trí địa lý phức tạp này, các phương tiện càng trở nên ngang nhiên hơn. Chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ quan sát phóng viên chứng kiến khoảng 10 phương tiện thay nhau hút. Tất cả các tàu, sà lan này đều được hút nhiều hơn khối lượng cho phép đến mức chỉ còn còn ngấp nghé cabin và mũi tàu nhô lên thì mới quay đầu di chuyển về hướng bãi tập kết cát trên địa bàn huyện Krông Ana – Đăk Lăk.

Kỳ 1: Lộn xộn tình trạng khai thác cát trên sông Krông Nô - Ảnh 3.

Các phương tiện ngang nhiên hoạt động tại khúc sông này từ lúc tờ mờ sáng cho đến đêm.

Cùng chứng kiến cảnh tượng hút cát này, một người dân địa phương cho biết, mỗi ngày có khoảng 70 - 80 tàu, sà lan các loại với công suất lớn, tải trọng hàng chục tấn từ phía bên bờ sông thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk chạy sang bên bờ sông thuộc địa phận xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông hút cát chở về. Các phương tiện bắt đầu hoạt động tại khúc sông này từ lúc tờ mờ sáng cho đến đêm. Ước tính khối lượng cát các tàu hút tại khu vực này lên đến hàng nghìn, hàng triệu khối mỗi ngày.

Những con tàu "không số"

Để không ai nhận ra và cũng dễ bề xóa dấu vết, nhiều phương tiện hút cát đều không ghi số hiệu, hoặc dùng dù bạt bịt lại. Bên cạnh đó hàng chục tàu, sà lan khác của các đơn vị không được cấp phép cũng trà trộn vào khai khác nhằm né tránh sự tố giác của người dân địa phương cũng như sự quản lí của các cơ quan chức năng.

Kỳ 1: Lộn xộn tình trạng khai thác cát trên sông Krông Nô - Ảnh 4.

Nhiều phương tiện hút cát dùng bạt che chắn tên công ty và số hiệu phương tiện nhằm né tránh sự tố giác của người dân địa phương cũng như sự quản lí của các cơ quan chức năng.

Qua theo dõi, phóng viên nhận thấy những sà lan "không số" này hoạt động liên tục hàng ngày từ 2h đêm cho đến khoảng 9h sáng. Trung bình cứ 1,5 tiếng đồng hồ, mỗi phương tiện hút khoảng 80 đến hơn 100 khối cát, sau đó hướng về điểm tập kết tại bãi Quỳnh Ngọc để bơm cát lên.

Theo quy định thì các tàu hút này chỉ được phép hút cát trên địa bàn của tỉnh Đắk Lắk, trong khi đó, bãi cát Quỳnh Ngọc nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tuy được cấp phép hoạt động, nhưng hầu hết các tàu hút cát lại di chuyển về khu vực huyện Lắk thuộc Đắk Lắk và xã Nậm Đ’Nir thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, để khai thác, làm sạch cát rồi chở về bãi tập kết thuộc địa phận của mình. Phần lớn cát được tập kết tại bãi Quỳnh Ngọc sẽ được vận chuyển và cung cấp cho hầu hết các công trình trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông cho biết, tại địa phương chỉ có 2 đơn vị được cấp phép khai thác cát là Công ty TNHH Phú Bình và Công ty TNHH Xuân Bình. Tuy nhiên, bãi cát tập kết của công ty này trên địa bàn xã đã bị chính quyền tạm cho ngừng hoạt động hơn 2 năm nay. Để lách luật, doanh nghiệp này đã chuyển cát hút được từ lòng sông về bãi cát Quỳnh Ngọc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Kỳ 1: Lộn xộn tình trạng khai thác cát trên sông Krông Nô - Ảnh 5.

Phần lớn những phương tiện hút cát này đều hướng về điểm tập kết tại bãi Quỳnh Ngọc để bơm cát lên. Ước tính mỗi ngày, cả triệu khối cát âm thầm được hút lên.

Tình trạng các khai thác khai thác cát trên sông Krông Nô đang diễn ra phức tạp nhất là tại các vùng giáp ranh, với hàng loạt phương tiện "không số"…Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng các địa phương đều chưa có chế tài xử lý triệt để.

Mất nhà cửa, ruộng vườn vì nạn hút cát kéo dài

Ông Đặng Văn Toản (người dân sinh sống trên địa bàn xã Nậm N’Đir, huyện Krông Nô) cho biết, diện tích đất canh tác của gia đình ông nguyên có khoảng 9 sào, tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 1,2 đến 1,3 sào. Nhiều hộ dân gần nhà ông cũng bị mất trung bình khoảng 1,5 đến 2ha đất canh tác.

Vào thời điểm năm 2021, ông Trương Văn Tỏ (61 tuổi, tổ trưởng tổ tự quản số 3, xã Ea R’Bin, huyện Lắk, Đắk Lắk) chia sẻ, gia đình ông đã sinh sống ở vùng đất này hơn 30 năm, trước đây sông chỉ rộng khoảng 20-30m nhưng đến nay nhiều khúc sông nước "ăn" vào bờ hàng trăm mét, sụt sâu tạo ghềnh thác khiến dòng chảy dữ dằn hơn…

"Nhà tôi trước nằm cách bờ sông hơn 30m nhưng mỗi năm nước lại ‘ăn vào’ 2-5m rồi nuốt luôn cả nhà. Cái nhà tạm này mới dựng lên để chứa máy móc, nông sản, còn gia đình không ai dám ở nữa vì chưa biết sông lại lở lúc nào", ông Tỏ ngậm ngùi chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với ông Tỏ, ông Khương Phú Huynh (51 tuổi, xã Ea R’Bin, huyện Lắk, Đắk Lắk) cũng rơi vào cảnh không nhà cửa, vợ chồng phải đi tá túc nhà bà con. "Mỗi năm sông lấn vô một ít, tôi đã dời nhà lên mấy lần, mỗi lần 10 - 15m. Đến lần thứ 4, tôi dời cách bờ hơn 30m, làm nhà kiên cố nhưng cũng bị sạt, toàn bộ tài sản trôi xuống sông. Hơn 2,8ha đất của gia đình nay còn đúng 7 sào", ông Huynh xót xa nói.

Kỳ 1: Lộn xộn tình trạng khai thác cát trên sông Krông Nô - Ảnh 6.

Nhiều hộ dân sống hai bên bờ sông Krông Nô phải chịu cảnh mất nhà, mất diện tích đất canh tác do nạn hút cát

Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng khai thác cát tràn lan không được kiểm soát trong thời gian dài đã khiến lòng sông Krông Nô bị biến dạng. Nếu như lòng sông cách đây vài năm chỉ rộng khoảng 20-30m, nhưng đến nay, do việc nạo hút cát bừa bãi, nước sông đã lấn vào 2 bên bờ rất sâu, có đoạn rộng đến cả hàng trăm mét, xoáy sâu xuống lòng sông cả chục mét. Nguy hiểm hơn, đất hai bên bờ bị sạt lở nhiều, lấn sâu vào đất canh tác của nhiều hộ dân, tạo ghềnh thác khiến dòng chảy dữ dằn hơn, khiến người dân luôn phải lo lắng hoa màu bị cuốn trôi theo dòng nước, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Theo ghi nhận, nhiều hộ dân thậm chí đã phải di dời nhà cửa nhiều lần để tránh bị sụp lún xuống lòng sông. Tổng số hộ dân thiệt hại nhà cửa, ruộng vườn dọc sông Krông Nô ước tính lên đến con số hơn một trăm hộ.

Ông Nguyễn Xuân Danh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông cho biết, đối với đơn vị Quỳnh Ngọc địa phương không cấp phép, tàu của Quỳnh Ngọc sang địa bàn thuộc Đăk Nông khai thác là khai thác trái phép. Vì thẩm quyền khai thác của Quỳnh Ngọc là chỉ khai thác bên bờ của Quỳnh Ngọc và thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đăk Lăk. Đăk Nông không cấp phép cho Quỳnh Ngọc khai thác trên địa bàn Đăk Nông.

Được biết chính quyền địa phương huyện Krông Nô đã nhiều lần ra quân, tiến hành xử lý các phương tiện và chủ doanh nghiệp vi phạm nhưng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế do tính chất địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.

Nhóm PV Báo điện tử VTV NEWS sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc…

Mời độc giả đón đọc kỳ 2: " Thủ đoạn biến cát bẩn thành cát sạch".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước