Kỹ thuật chỉnh hình nhi, phẫu thuật ung thư xương ở Việt Nam đã tiệm cận các nước tiên tiến

Tạ Hiển-Thứ bảy, ngày 23/09/2023 20:41 GMT+7

VTV.vn - Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch Hội Chỉnh hình nhi Việt Nam tại Hội nghị khoa học Chỉnh hình nhi toàn quốc lần thứ 16.

Hội nghị khoa học Chỉnh hình nhi toàn quốc lần thứ 16 do Hội Chỉnh hình nhi Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tổ chức vừa được diễn ra trong 2 ngày 22-23/9.

Hội nghị có sự góp mặt của 29 chuyên gia quốc tế cùng các báo cáo viên toàn quốc. Nhiều bác sĩ hàng đầu về lĩnh vực ung thư, dị tật đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với mục đích giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm điều trị các ca bệnh khó. Đây cũng là cơ hội lớn để các bác sĩ tiếp cận với những ca bệnh khó, chẩn đoán và điều trị những ca bệnh khó, đặc biệt là ung thư xương ở trẻ em.

Kỹ thuật chỉnh hình nhi, phẫu thuật ung thư xương ở Việt Nam đã tiệm cận các nước tiên tiến - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị khoa học Chỉnh hình nhi toàn quốc lần thứ 16

Phát biểu tại Hội nghị, TS.BS. Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, hội nghị lần này có số lượng báo cáo nhiều nhất từ trước đến nay và có số lượng chuyên gia tham dự đông nhất từ trước đến nay.

"Chúng tôi mong muốn thông qua hội nghị này, các kiến thức, kinh nghiệm của chuyên gia nước ngoài và các đồng nghiệp trong nước, chúng ta sẽ càng ngày làm tốt hơn công tác chuyên môn phục vụ bệnh nhi" – ông Long chia sẻ.

Kỹ thuật chỉnh hình nhi, phẫu thuật ung thư xương ở Việt Nam đã tiệm cận các nước tiên tiến - Ảnh 2.

TS.BS. Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch Hội Chỉnh hình nhi Việt Nam nhấn mạnh, với sự hỗ trợ ứng dụng công nghệ cùng khả năng cập nhật kiến thức của thầy thuốc, nhiều kỹ thuật chỉnh hình nhi, đặc biệt trong phẫu thuật ung thư xương ở Việt Nam, đã tiệm cận các nước tiên tiến.

Trước đây với hầu hết các trường hợp ung thư xương, chỉ định cắt cụt chi hay tháo khớp sẽ được đặt ra nhằm loại bỏ triệt để khối u xương, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Kỹ thuật chỉnh hình nhi, phẫu thuật ung thư xương ở Việt Nam đã tiệm cận các nước tiên tiến - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch Hội Chỉnh hình nhi Việt Nam

Những năm gần đây, với những cập nhật kỹ thuật mới, bệnh nhân ung thư xương (đặc biệt ở giai đoạn 1, 2) có thể bảo tồn chi trong khi vẫn loại bỏ được khối u, sau đó tái tạo phần khuyết hổng bằng các phương pháp như tái tạo sinh học, tái tạo bằng khớp nhân tạo thiết kế đặc biệt cho trẻ nhỏ..., giữ lại phần chi thể cho các bé.

"Trong phẫu thuật ung thư xương, ngoài tiến bộ về giải phẫu buộc phẫu thuật viên phải nắm chắc, những kỹ thuật vi phẫu cũng có thể kết hợp ứng dụng công nghệ như nối mạch máu, nối dây thần kinh", PGS Hưng cho hay.

Kỹ thuật chỉnh hình nhi, phẫu thuật ung thư xương ở Việt Nam đã tiệm cận các nước tiên tiến - Ảnh 4.

Chuyên gia nước ngoài cùng các bác sĩ chỉnh hình nhi Xanh Pôn thăm khám cho bệnh nhi

Trung bình mỗi năm có khoảng 50 trẻ phẫu thuật ung thư xương tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đa số được bảo tồn chi. Nhiều trẻ ung thư xương sau phẫu thuật bảo tồn chi có thể đi lại bình thường, hòa nhập cuộc sống. Về mặt chẩn đoán ung thư, sau 5 năm không tái phát được xem như đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Điểm đặc biệt của điều trị ung thư xương ở trẻ là cần sự tham gia của đa chuyên ngành, nhiều bệnh viện. Những nhóm làm việc online giữa bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, Việt Đức, K, Xanh Pôn và các chuyên gia nước ngoài được thành lập, tiến hành hội chẩn cho từng trường hợp cụ thể, tìm ra phương thức điều trị tốt nhất.

Theo PGS.TS Dương Đình Toàn, Phó Trưởng khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), ung thư xương nguyên phát hay gặp ở lứa tuổi từ 1-12. Đây là loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở người trẻ.

Ung thư xương thể nội tủy phổ biến trong các loại ung thư xương. 50% các tổn thương xuất hiện vùng quanh gối (đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày) của trẻ em và người trẻ. Ngoài ra, tổn thương có thể gặp ở đầu trên xương đùi, đầu trên xương cánh tay, xương chậu.

Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng của bệnh lý này không biểu hiện rõ rệt, người bệnh thường không chú ý, dễ bỏ qua.

Nhiều phụ huynh rất bất ngờ khi con mình được chẩn đoán ung thư xương, bởi trước đó khi thấy con kêu đau mỏi chân tay, nhất là đau đoạn đầu gối, xương cánh tay…, cha mẹ thường cho rằng do trẻ vận động nhiều hoặc va chạm đâu đó hoặc thiếu canxi. Sau khi cơn đau tái phát nhiều lần, đi khám chuyên sâu mới phát hiện ung thư xương.

Ban đầu cơn đau có thể tăng cũng có thể giảm hoặc mất đi theo thời gian. Về sau, cơn đau âm ỉ liên tục, tăng nhiều về đêm và không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Đau có thể liên quan hoặc không liên quan đến vận động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước