Ký ức lịch sử của mùa Thu 1945 ở Hà Nội qua những bức ảnh xưa và nay

VTV Digital-Thứ ba, ngày 01/09/2020 15:18 GMT+7

VTV.vn - 75 năm về trước, Thủ đô Hà Nội là ngọn cờ đầu của cuộc Tổng Khởi nghĩa, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, đồng loạt biểu tình và giành thắng lợi to lớn.

“Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” - đây là lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” tháng 8/1945, tháng Tám của mùa thu Cách mạng, mùa thu của một dân tộc, của một “Nước Việt Nam từ máu lửa/rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

75 năm về trước, Thủ đô Hà Nội là ngọn cờ đầu của cuộc Tổng Khởi nghĩa, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, quân và dân cả nước đã đồng loạt biểu tình, đánh chiếm các công sở của địch và giành thắng lợi to lớn.

Cùng ghé thăm những trọng điểm nằm ngay trong lòng Thủ đô của thời khắc lịch sử này:

Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ)

Ảnh tư liệu: 19/8/1945 (TTXVN) - Ảnh mới: 2020 (Tuấn Linh)

Thời Pháp thuộc, tòa nhà mang tên Dinh Thống sứ Bắc Kỳ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tòa nhà được đổi thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ.

Đây được coi là một biểu trưng cho sự vùng lên đấu tranh của quân dân Thủ đô anh hùng trong những ngày mùa thu lịch sử năm 1945. Sau cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn, ta tiến tới chiếm Phủ Khâm sai, tại đây ta tước vũ khí lính bảo an và phân phát cho tự vệ. Cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trung tâm đầu não của chế độ thuộc địa trong tiếng hoan hô vang dậy của nhân dân.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã chuyển về đây làm việc cho tới tháng 11/1945. Trong thời gian này, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ phủ.

Bắc Bộ phủ nay là Nhà khách Chính phủ, tọa lạc ở số 12 phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 2005, Di tích Bắc Bộ phủ được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

48 Hàng Ngang - nơi ra đời bản "Tuyên ngôn Độc Lập"

Ảnh tư liệu (không rõ tác giả) - Ảnh mới: 2020 (Tuấn Linh)

Vào những năm 40 của thế kỷ trước, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội.

Chủ nhân ngôi nhà là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ - những tư sản yêu nước. Trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945, hai người đã dành một phòng để làm nơi làm việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu Người trở về Hà Nội và đưa ra quyết định khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc Lập.

Năm 1979, ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia.

Quảng trường Ba Đình - nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ

Ảnh tư liệu: 2/9/1945 - Ảnh mới: 2020 (Tuấn Linh)

Thời Pháp thuộc, quảng trường có tên là Vườn hoa Puginier.

Tháng 7/1945, Hà Nội tiến hành đổi tên một số tuyến đường có chữ tây mang chữ ta. Người đổi tên các tuyến đường lúc bấy giờ là Bác sĩ Trần Văn Lai - người Việt Nam đầu tiên giữ chức Thị trưởng Hà Nội. Khi đó, vườn hoa Pugininer trước Phủ Toàn quyền được đổi tên thành vườn hoa Ba Đình. Ba Đình là địa danh xã ngày nay của huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), gắn liền với cuộc khởi nghĩa Ba Đình do Đinh Công Tráng cầm quân trong thời gian 1886 - 1887 dưới thời Cần Vương chống thực dân Pháp.

2/9/1945, vườn hoa Ba Đình đã thành địa điểm lịch sử khi được chọn để xây dựng lễ đài - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày này, Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất của Việt Nam nằm trên đường Hùng Vương, Hà Nội, nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, mãi là niềm tự hào của toàn dân toàn quân.

Nhà hát Lớn Hà Nội và ký ức về cuộc mít tinh lớn chưa từng có

Ảnh tư liệu: 19/8/1945 (TTXVN) - Ảnh mới: 2020 (Tuấn Linh)

Nhà hát tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám. Công trình được người Pháp xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911 theo mẫu nhà hát Opéra Garnier ở Paris.

Trong ảnh là buổi sáng ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt đã chia thành hai mũi lớn đi chiếm Phủ Khâm sai và Trại bảo an binh.

Ngày 2/9/1946 mít tinh kỷ niệm 1 năm Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đó cũng là ngày Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân vào Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây cũng là nơi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946.

Ngày nay, Nhà hát Lớn luôn là trung tâm của các cuộc họp, hội nghị quan trọng và các buổi biểu diễn mang tính nghệ thuật cao của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước