Việc bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi, không được thu gom xử lý không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân nơi đây mà còn làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước.
Tại khu vực trồng rau và hoa tập trung thuộc phường 9 và phường 12 TP Đà Lạt, phía sau những dãy nhà kính có khá nhiều rác thải là bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Do địa hình đồi dốc nên khi có mưa lớn, lượng rác thải độc hại này đã trôi theo dòng nước và đọng lại ở các ao hồ chứa trong khu vực.
Khuôn viên của khu du lịch hồ Than Thở từng là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, hiện nơi đây là một bãi rác thải khổng lồ trong đó có rất nhiều bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Nhiều rác thải là bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng vương lại tại hồ Than Thở hay ở lưu vực hồ chứa nước Đan Kia-Suối Vàng
Trên nhãn mác của nhiều loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu còn vương lại tại hồ Than Thở hay ở lưu vực hồ chứa nước Đan Kia-Suối Vàng cho thấy, thời gian sản xuất, sử dụng khá gần đây. Thực tế này càng khiến cho người dân lo lắng. Bởi lẽ nước sinh hoạt hàng chục ngàn hộ dân tại TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương đang sử dụng có nguồn từ hồ chứa Đan Kia-Suối Vàng.
Mỗi năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng phát sinh khoảng 185 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng mới thu gom được khoảng 20%, còn lại được người dân tiêu hủy theo hình thức đốt, chôn lấp, thu gom cùng với rác thải sinh hoạt hoặc thải ra môi trường gây ô nhiễm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!