Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chuyển đổi số mang lại cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân phải thay đổi để phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật. Những thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cần được áp dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực của đời sống, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm có tiềm năng, lợi thế làm động lực cho tăng trưởng.
Vận hành hệ thống Trung tâm giám sát và điều hành thông minh - IOC huyện Lạc Dương
Theo đó, Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến 2030. Để đạt được mục tiêu trở thành 1 trong 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số vào năm 2025, Lâm Đồng đã có những bước đệm, bước hoạch định cho chuyển đổi số toàn diện.
Đi đầu trong công tác phát triển đô thị thông minh tại địa phương, trong 10 năm trở lại đây, huyện Lạc Dương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn thông tin, xây dựng các ứng dụng nền tảng và chia sẽ dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực.
Huyện Lạc Dương quyết tâm tăng cường chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh
Ngày 19/5 vừa qua, huyện Lạc Dương chính thức đưa vào vận hành trung tâm giám sát và điều hành thông minh. Đây là một bước tiến quan trong trong việc xây dựng chính quyền điện tử của huyện, đồng thời là cơ sở để địa phương từng bước thực hiện chuyển đổi nền hành chính thông thường sang nền hành chính số, tạo môi trường hành chính công khai, minh bạch và thân thiện.
Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, huyện đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn thông tin; xây dựng các ứng dụng nền tảng và chia sẽ dữ liệu; đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, năm 2022, với sự giúp đỡ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, huyện Lạc Dương đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động thử nghiệm Trung tâm IOC, tạo môi trường hành chính thân thiện, công khai, minh bạch.
Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng
Không chỉ vậy, Trung tâm IOC còn là nơi thiết lập cầu nối để người dân tiếp cận trực tiếp với chính quyền cũng như tạo nên một môi trường kinh doanh, một sân chơi công bằng cho tất cả các công ty, doanh nghiệp, người dân khi thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, Trung tâm IOC còn phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương một cách trực tiếp, tức thời; phản ứng kịp thời với các diễn biến của xã hội.
Trong thời gian tới, Trung tâm IOC của huyện sẽ tập trung xây dựng, phát triển các ứng dụng, tiện ích để giải quyết các vấn đề trên các trụ cột chính, như xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và phát triển công dân số hướng tới xã hội số; theo hướng làm đến đâu chắc đến đó.
Vận hành Trung tâm giám sát và điều hành thông minh - IOC huyện Lạc Dương
Cụ thể, đối với việc xây dựng chính quyền số, ngoài việc kế thừa những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, huyện Lạc Dương sẽ tập trung phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng dịch vụ công mức độ 3, 4.
Với lĩnh vực phát triển kinh tế số, huyện cũng sẽ tập trung thực hiện các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện. Đồng thời, phát triển các sản phẩm về du lịch, nông nghiệp của địa phương trên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng các mô hình doanh nghiệp thông minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!