Làm rõ các khái niệm, quy định về đất đai để tránh hệ lụy về sau

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/02/2023 20:31 GMT+7

VTV.vn - Những quy định hiện hành có khả năng phát sinh việc trục lợi, lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân cũng như hiệu quả quản lý và khai thác tài nguyên đất đai của NN.

Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi tiếp thu, điều chỉnh, trình lên kỳ họp Quốc hội tới đây. Vấn đề này cũng đã được tập trung bàn thảo tại Hội nghị góp ý được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.

Khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai thường tập trung vào các vấn đề thuộc về quyền lợi của người dân như áp giá bồi thường khi thu hồi đất, giải quyết tranh chấp, quyền lợi bị ảnh hưởng khi bị chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Các đại biểu đã có những đề xuất để tháo gỡ những vướng mắc mà Luật Đất đai hiện hành chưa làm được.

Làm rõ các khái niệm, quy định về đất đai để tránh hệ lụy về sau - Ảnh 1.

"Điều 13 đã quy định quyền sử dụng đất là một loại tài sản hàng hóa đặc biệt. Chúng tôi đề xuất xem xét nên công nhận quyền mua bán quyền sử dụng đất bởi nếu đã có quyền mua bán thì không thể nào gây thiệt hại cho người dân" - Luật gia Nguyễn Thanh Bình nói.

"Liên quan đến lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, tôi đề nghị nên có những điều khoản bổ sung trong nội dung này kèm theo nếu anh không thực hiện nội dung này thì sẽ có biện pháp chế tài bởi nó gây tác động, gây khó khăn cho người dân" - ông Phạm Văn Phố - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 6, TP. Hồ Chí Minh nói.

Theo bà Phan Thị Việt Thu - Ban Tư vấn Dân chủ Pháp luật, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh: "Tranh chấp đất đai ở người dân rất đa dạng, nên chăng chúng ta sẽ bổ sung vào trong luật phân cấp thẩm quyền cái nào giải quyết ở tòa án, cái nào giải quyết ở UBND".

Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Luật gia huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh: "Quy trình xin chuyển mục đích sử dụng đất nếu bình thường trên 2 năm mới duyệt được, người dân cất thì vi phạm luật xây dựng, xây dựng trái phép, đấy là cái chúng ta xem xét lại. Nếu chúng ta quy hoạch, người dân cất nhà đúng quy hoạch thì chỉ đóng thuế thôi, không cần xin chuyển mục đích sử dụng".

Làm rõ các khái niệm, quy định về đất đai để tránh hệ lụy về sau - Ảnh 2.

Hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của người dân để từ đó quản lý, khai thác một cách hiệu quả nguồn tài nguyên vô giá là đất đai, chính là mục tiêu của xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục 2 hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo tập trung vào vấn đề chính sách đất đai trong lĩnh vực tôn giáo, dân tộc và lĩnh vực kinh tế - môi trường xã hội trong thời gian tới.

Hài hòa lợi ích từ quốc gia, doanh nghiệp và người dân để từ đó quản lý, khai thác một cách hiệu quả nguồn tài nguyên vô giá là đất đai. Đó là mục tiêu chúng ta đưa ra nhưng ở không ít địa phương, nguồn tài nguyên đó đang bị lãng phí.

Tại nhiều tỉnh thành miền Trung, rất nhiều dự án đầu tư xây dựng với quy mô cả ngàn tỷ đồng lại rơi vào tình cảnh bỏ hoang hoặc xây không được, bỏ không xong. Với những địa phương nghèo, nguồn lực còn hạn hẹp, lãng phí đất đai, tiền của trở thành sự bức xúc trong dư luận.

Từ hy vọng đi đến thất vọng

Tất cả những gì người ta nhìn thấy của dự án nhà máy xi măng quy mô 5.000 tấn clinker/ngày (tương đương 1.800.000 tấn xi măng/năm) có mức đầu tư lên đến 4.500 tỷ đồng chỉ còn là đổ nát.

Làm rõ các khái niệm, quy định về đất đai để tránh hệ lụy về sau - Ảnh 3.

Đã di dời, bàn giao nhà cửa cho dự án, nhưng ông Nguyễn Duy Hai (xã Thượng Quảng, Nam Đông, Thừa Thiên Huế) thi thoảng trở lại vườn cũ, làm sao không xót khi trước đây là mảnh đất màu mỡ cho thu nhập chính của gia đình. Có hơn 40 hộ dân ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông rơi vào tình cảnh tương tự. Đã hơn 13 năm nay người dân rất bức xúc vì diện tích đất lên đến 40 hecta đất bị bỏ hoang trong khi họ không có đất sản xuất.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước còn 18.000 ha đất bỏ hoang do các dự án chậm tiến độ, dự án treo. Báo cáo của Đoàn giám sát lưu giữ số liệu cả nước hiện có đến 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước cần làm rõ trách nhiệm do lãng phí, thất thoát. Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, tỉnh Quảng Trị là một trong số đó.

Làm rõ các khái niệm, quy định về đất đai để tránh hệ lụy về sau - Ảnh 4.

Được kỳ vọng là dự án trọng điểm, kết nối hàng hóa với Lào và Thái Lan trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy khởi công được 3 năm và đến nay vẫn bất động.

Khu tái định cư này dự kiến bố trí cho 300 hộ dân vào ở nhưng đến nay chưa có gia đình nào có mặt, trong khi họ thì mãi thắc thỏm sống chen chúc trong những ngôi nhà cũ ọp ẹp, không được sửa chữa. Đi hay ở đều không xong bởi dự án nằm trên giấy.

Từ hy vọng đi đến thất vọng, người dân loay hoay đã đành, chính quyền cơ sở thì cũng chỉ biết kiến nghị từ năm này sang năm khác.

Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp, năm 2023 này sẽ xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với những dự án treo, thất thoát nguồn lực đầu tư. Trong bối cảnh yêu cầu phát triển, giải phóng năng lực cho nền kinh tế thì việc chấm dứt tình trạng lãng phí là một đòi hỏi cấp bách.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước