Nhiều khó khăn, vướng mắc trong phân loại rác
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Hình ảnh những thùng rác sơn thành 3 màu tương ứng ba loại rác vô cơ, hữu cơ và tái chế khác đã trở nên quen thuộc với người dân từ thành thị tới nông thôn. Nhưng dù một số chương trình phân loại rác tại nguồn đã được thí điểm triển khai ở khá nhiều địa phương, việc hình thành thói quen sống xanh cho cộng đồng vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc…
Cảnh tượng về ùn ứ rác thải sinh hoạt chất đống cùng nhau ở cả nội đô lẫn nơi thu gom, bãi rác ngoại thành vẫn diễn ra. Những ngày nghỉ Tết vừa qua là lúc mà rác thải sinh hoạt tăng đột biến, đặc biệt là các loại rác thải nhựa, túi nylon. Theo thống kê, tại các địa phương, nhất là các đô thị lớn, lượng rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải nhựa lẫn trong rác sinh hoạt tăng khoảng 30% so với ngày thường.
Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó gần 10%, khoảng 6.000 tấn rác nylon. Đa số lương rác này được chôn lấp lẫn trong các bãi rác hoặc thải ra vào nước. Và ở không ít địa phương, nguồn nước tưới tiêu cũng đang bị ngấm dần bởi nước rỉ rác, một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Phân loại rác theo thành 3 thùng màu tương ứng ba loại rác vô cơ, hữu cơ và tái chế khác.
Từ 20 năm trước những mô hình thí điểm phân loại rác đã được triển khai ở Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, số lượng địa phương phân loại rác thành công quá ít ỏi. Hội An là một trong những nơi hiếm hoi làm được điều này.
Gần 1 thập kỷ để người Hội An quen với những hướng dẫn trong nhà: Thứ 2, 4, 6, Chủ nhật là ngày đổ rác dễ phân hủy. Thứ 3, 5, 7 là đổ rác khó phân hủy. Các loại rác được vẽ hình chi tiết, dễ hiểu. Phân loại, thu gom thành công trên toàn bộ khu vực nội và ngoại thành của thành phố. Giờ là lúc Hội An đang phải hiện thực hóa hệ thống tái chế sau phân loại, không thể mãi là mô hình thí điểm.
Kinh nghiệm phân loại rác tại Thượng Hải
Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn là một trong những vấn đề trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường của Trung Quốc những năm gần đây. Trong đó, điển hình là Thượng Hải - thành phố có 25 triệu dân và xả ra gần 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt mỗi năm.
Thượng Hải là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc thực hiện phân loại rác bắt buộc trên quy mô toàn thành phố, đi kèm với những chế tài cụ thể, dù đối tượng vi phạm là người dân hay doanh nghiệp. Theo đó, từ ngày 01/7/2019, người dân thành phố này được yêu cầu phân loại rác thành 4 loại: rác thải khô, rác thải ướt (hay rác thải nhà bếp), rác thải nguy hại và rác có thể tái chế. Cá nhân vi phạm, tuỳ vào mức độ có thể bị phạt đến 200 Nhân dân tệ (khoảng 700.000 đồng). Trong khi đó, hình phạt đối với các doanh nghiệp không tái chế hoặc phân loại rác theo đúng quy định lên tới 50 nghìn Nhân dân tệ (hơn 170 triệu đồng). Ngoài ra, những người không phân loại rác còn có thể bị hạ thấp điểm tín nhiệm xã hội.
Ngược lại, khi phân loại rác đúng theo quy chuẩn, các hộ dân sẽ được nhận được điểm thưởng có tác dụng quy đổi thành các nhu yếu phẩm hằng ngày.
Dù vẫn còn một số hạn chế, nhưng những nỗ lực của thành phố Thượng Hải bước đầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ tuân thủ phân loại của các khu dân cư và đơn vị ở Thượng Hải là khoảng 95%. Tỷ lệ tái chế rác thải sinh hoạt tại Thượng Hải đã đạt 40%. Phân loại rác đã trở thành thói quen của người dân, đồng thời diện mạo môi trường và năng lực quản lý của thành phố cũng được cải thiện. Hình ảnh người dân xếp hàng trước các điểm thu gom rác để đợi bỏ rác vào đúng các thùng phân loại các nhau đã trở thành quen thuộc ở Thượng Hải.
Lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn, nhưng chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Phần còn lại sẽ là gánh nặng lên chi phí, nguồn lực để xử lý và ảnh hưởng môi trường, sức khoẻ của chính chúng ta. Do vậy, phân loại có vai trò quan trọng để loại bỏ những tạp chất tồn đọng ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý rác; tMỗi chúng ta sẽ góp phần vào lối sống xanh, bền vững.
PGS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường sẽ cùng trao đổi để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!