Theo Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, từ ngày 25/8, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường cho biết, 25/8 chỉ là mốc thời gian Nghị định 45 có hiệu lực và hiện nay cũng chưa thể áp dụng chế tài xử phạt ngay. Bởi trên thực tế, các quy định về phân loại rác còn chưa rõ ràng và hiệu quả phân loại rác hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Một khu phố được chọn làm điểm phân loại rác tại nguồn từ năm 2013. Khi đó, hơn 330 hộ dân ở đây thực hiện rất nghiêm túc. Hai thùng rác, 1 thùng để rác hữu cơ, 1 thùng để rác tái chế, được 2 xe gom rác đến lấy hàng ngày. Nhưng sau vài năm, người dân chỉ còn thấy 1 xe đến lấy rác. Vậy là rác đã được phân loại tại nhà, lại bị người thu gom bỏ chung vào 1 thùng xe.
Lộ trình để thực hiện việc xử phạt không phân loại rác tại nguồn là từ nay đến cuối năm 2024.
Không chỉ bất cập về mặt hạ tầng, ngay cả các quy định về việc phân loại rác hiện nay cũng chưa rõ ràng.
Trước đây, TP Hồ Chí Minh yêu cầu người dân phân rác thành 2 loại gồm rác tái chế và rác còn lại. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, khi Luật bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, rác được chia làm 3 loại gồm: rác tái chế, rác thực phẩm và rác sinh hoạt khác. Sự khác biệt về quy định khiến nhiều người không khỏi lúng túng.
Lộ trình để thực hiện việc xử phạt không phân loại rác tại nguồn là từ nay đến cuối năm 2024. Trong khi chờ những hướng dẫn, quy định cụ thể từ Bộ Tài nguyên Môi trường và hạ tầng thu gom, xử lý rác thải hoàn chỉnh, bà con tại khu phố 1, phường Bến Nghé, quận 1 vẫn hàng ngày động viên nhau phân loại rác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!