Làm sao để nhận biết trầm cảm ở trẻ em?

Minh Đức-Thứ hai, ngày 04/04/2022 16:44 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Theo chuyên gia tâm lý trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên khó nhận biết do các em chưa biết cách bộc lộ bản thân, do vậy cần được quan tâm và theo dõi qua hành vi.

Liên tiếp các vụ học sinh tự sát diễn ra trong vài ngày qua khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Rối loạn trầm cảm là một bệnh lý tâm thần thường gặp.

Cách nhận biết trầm cảm ở trẻ

Chuyên gia tâm lý - TS. Lê Phương Hoa, Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết, trầm cảm làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lao động, học tập. Triệu chứng lâm sàng của bệnh rất phức tạp, việc nhận biết rất khó khăn.

Người mắc trầm cảm rơi vào buồn chán, bi quan, thất vọng. Yếu tố tâm lý xã hội làm cho tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát cao. Tự sát là nguyên nhân gây chết thường gặp nhất trong lâm sàng tâm thần, thậm chí còn có hành vi tự sát mở rộng (giết người trước khi tự sát). Việc điều trị đòi hỏi chẩn đoán đúng, điều trị kiên trì mới đạt được kết quả tốt.

Theo Chuyên gia tâm lý Lê Phương Hoa, rối loạn trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể biểu hiện bằng tâm trạng buồn chán, cáu giận hoặc rất nhạy cảm. Một số dấu hiệu của trầm cảm là thường xuyên cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, có lỗi hoặc tự ti, ít quan tâm hơn đến các hoạt động mà trước đây các em đã từng ưa thích; mệt mỏi, thiếu nhiệt tình và thường xuyên cảm thấy chán nản, khó tập trung chú ý; thay đổi đáng kể về khẩu vị hoặc cân nặng, xa lánh những người lớn hoặc giao tiếp kém.

Trẻ thường nghĩ tới cái chết, gây tổn thương cho bản thân, hoặc tự sát; thường xuyên cảm thấy khó chịu trong cơ thể (như là đau đầu, nhức mỏi cơ, đau bụng…); có tâm trạng tức giận, cáu gắt, thù hận hoặc có các hành vi nguy hiểm nghiêm trọng hơn (khóc, la hét, kêu la hoặc cáu giận mà không rõ nguyên nhân), hay nghỉ học hoặc học tập kém, dễ lạm dụng hoặc nghiện rượu và ma túy.

Trẻ có thể khó nhận biết và mô tả về cảm xúc và cảm giác của mình, các em có thể vẫn chưa biết cách bộc lộ bản thân bằng từ ngữ nên có thể biểu hiện cảm xúc của mình qua hành vi. Sự khó chịu có thể biểu hiện như hành vi hiếu chiến và thái độ chống lại xã hội.

Do đó, điều quan trọng là em cần được bác sĩ chuyên khoa khám kỹ lưỡng để chẩn đoán chính xác.

Phụ huynh nên làm gì khi phát hiện dấu hiệu trầm cảm ở trẻ

Có rất nhiều yếu tố có thể tác động tới học sinh, sinh viên: những trẻ có thể lực yếu, gia đình có nhiều mối bất hòa, bố mẹ ly hôn - ly thân, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, mất người thân, mất tiền, tài sản. Một số yếu tố khác là áp lực học tập căng thẳng, gia đình hoặc bản thân kỳ vọng hoặc đòi hỏi quá khả năng của trẻ; ngủ ít do khó ngủ hoặc do học, do chơi quá nhiều ảnh hưởng thời gian ngủ.

Vấn đề nuôi dưỡng cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Một số trò chơi có thể dẫn tới nghiện như chơi game, cờ bạc, sử dụng một số chất như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, ma túy…

Các biểu hiện cơ bản của chứng rối loạn trầm cảm ở trẻ đi học và sinh viên tương tự như ở người lớn nhưng có liên quan đến những mối quan tâm điển hình của trẻ, chẳng hạn như học tập và chơi đùa. Trẻ em có thể không giải thích được cảm xúc bên trong hoặc tâm trạng. Trầm cảm cần được xem xét khi những đứa trẻ hoạt động kém đi so với trước đó, xa lánh xã hội, hoặc có hành vi phạm pháp.

Khi phát hiện con có các dấu hiệu trên, cha mẹ nên quan tâm tới con cái, tâm sự cùng con, lắng nghe con để từng bước tháo gỡ các vấn đề mà con cảm thấy bế tắc. Khi nghi ngờ con cái có vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm phụ huynh cũng nên đưa con đi khám chuyên khoa tâm thần.

Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con em mình trang bị các kỹ năng về quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề để có thể đối diện và xử lý cảm xúc tiêu cực.

Cha mẹ cũng cần quan tâm đến cảm xúc của con nhiều hơn, thường xuyên trò chuyện và hãy coi con như một người bạn, đừng đặt kỳ vọng quá lớn lên các con mình bởi vô tình nó sẽ trở thành áp lực đè nén suy nghĩ, cảm xúc của trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước