Nhà máy điện rác Sóc Sơn - nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam đã đi vào hoạt động, trước mắt sẽ giúp xử lý khoảng 1/3 số rác của Hà Nội. Tuy nhiên, đó chỉ là một đốm sáng nhỏ nhoi, vì nhiều nhà máy điện rác khác vẫn còn chưa thể hoạt động hết công suất do không có rác đã phân loại để đốt. Việc phân loại rác tại nguồn, đến nay ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn vẫn chỉ là những hoạt động lẻ tẻ, manh mún, chưa mang lại hiệu quả.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.
Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, sẽ có hiệu lực sau hơn 1 tháng nữa. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình hiện nay có vẻ như chưa áp dụng xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn, và hầu hết các địa phương đều nghe ngóng, chờ đợi. Tuy nhiên, việc này không thể kéo dài thêm nữa, vì ở các địa phương có nhà máy điện rác nếu không phân loại sẽ có nguy cơ không đủ rác để hoạt động.
Đến năm 2030, Việt Nam có tới 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt cần phải xử lý. Việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Những ích lợi đó có lẽ không cần phải nói nhiều thêm nữa, mà giờ là lúc thúc đẩy nhận thức thành hành động cụ thể, quyết liệt, cả từ phía chính quyền và người dân. Chúng ta có nhiều chỉ số tự hào với thế giới trong phát triển Internet, công nghệ blockchain, văn hóa, du lịch… nhưng lại cũng trong nhóm đầu thế giới về mức độ phát sinh rác thải nhựa và gây ô nhiễm đại dương. Đó quả là điều phải trăn trở, suy ngẫm.
TS Vũ Thị Kim Tuyến - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!