Rác thải sinh hoạt không được phân loại, gom chung để vận chuyển tới các bãi rác ven Hà Nội (Ảnh: Dân trí)
Đây là thông tin từ Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ ngày 25/8, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, Nghị định có lộ trình 3 năm, đến 31/12/2024 mới chính thức có hiệu lực.
Từ nay đến lúc đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác để từ đó các địa phương trên cả nước xây dựng chi tiết, các địa phương cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác và ban hành mức xử phạt khác nhau tùy theo điều kiện ở miền núi hay đồng bằng.
Các công ty môi trường cũng cần có lộ trình chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất để vận chuyển, thu gom rác sau khi đã phân loại.
Việc phân loại rác thải sinh hoạt đã từng được thực hiện thí điểm từ năm 2006. Khi đó, Hà Nội đã thực hiện thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn (gọi tắt là Dự án 3R) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Với mục tiêu nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau thời gian thí điểm, lượng rác đưa đi chôn lấp giảm 30%, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp… Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm, dự án đã phải dừng lại do JICA dừng tài trợ chương trình.
Một số địa phương khác cũng đã thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng không đạt kết quả hoặc không được duy trì gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ năm 2017, Bắc Ninh năm 2014, Hưng Yên năm 2012, Lào Cai 2016.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!