Bão, mưa lũ thường gây ra những trận sạt lở đất kinh hoàng, đặc biệt ở các khu vực miền núi hay ven sông, suối gây thiệt hại lớn về tài sản và con người. Từ lâu, các chuyên gia đã luôn nhấn mạnh nguy cơ sạt lở đất ở miền Trung bởi nơi đây hội tụ đủ các yếu tố bất lợi như địa hình đồi núi dốc đứng và nền đất đá rời rạc. Đặc biệt, khi có thêm những yếu tố tác động khác như mưa lớn thì sạt lở đất càng dễ xảy ra.
Khi có mưa lớn, mưa xối trên bề mặt rồi ngấm sâu vào lòng đất khiến kết cấu đất bị phá vỡ. Từ những khối đất gắn kết chắc chắn, đất sẽ trở nên lỏng lẻo thành những khối bùn nhão và dễ bị trọng lực kéo sạt từ trên đỉnh núi xuống, vùi lấp nhà cửa dưới chân núi.
Hiện trường vụ sạt lở đất tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam (Ảnh: TTXVN)
Sạt lở đất là loại hình thiên tai xảy ra trên quy mô nhỏ nhưng thiệt hại rất lớn. Đây là một trong 3 loại hình thiên tai gây thiệt hại về người nhiều nhất ở nước ta trong 10 năm gần đây.
Nếu thấy dấu hiệu vết nứt tường nhà, sườn đồi, mái dốc. Mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất, tiếng nổ lớn là nguy cơ sạt lở sắp xảy ra. Hãy chạy thật nhanh khỏi nơi nguy hiểm. Thông báo cho chính quyền và những người xung quanh nhanh nhất có thể. Tuyệt đối không đi qua, lại gần quanh khu vực đã sạt lở vì sạt lở có thể lặp lại cùng địa điểm.
Khi tiến hành di dời nơi sạt lở đất cần đảm bảo nguyên tắc gì?
Khi di dời cần đảm bảo theo nguyên tắc: Đảm bảo tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước. Địa điểm di dời là những nơi sinh hoạt cộng đồng như: trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận. Mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết như: nước uống, thức ăn, thuốc men, quần áo và đèn pin…
Đối với chính quyền địa phương cần chú ý, vì đa số người dân tại những khu vực dễ xảy ra sạt lở thường sinh sống ở đây rất lâu đời và chưa từng xảy ra những sự việc tương tự nên thường chủ quan, khi được cảnh báo di dời thường chần chừ và ngại di dời. Chính vì vậy, trong trường hợp cần thiết phải di dời có thể dùng biện pháp cưỡng chế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!