Lắng nghe chuyện về liệt sỹ Đặng Thùy Trâm qua lời kể của mẹ

Khánh Nguyễn - Hải An-Thứ năm, ngày 27/07/2023 18:50 GMT+7

VTV.vn - Cụ Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm hồi tưởng, Đặng Thùy Trâm học Văn rất giỏi nhưng gia đình động viên theo ngành y để phục vụ Tổ quốc.

Cụ Doãn Ngọc Trâm, sinh năm 1925, dù năm nay đã bước sang tuổi 99, đôi chân đã yếu và không thể tự đi lại được, nhưng trí tuệ của cụ vẫn còn minh mẫn. Cụ hiện đang ở cùng 2 con gái tại căn nhà trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Qua cuộc trò chuyện với nhóm các bạn trẻ ở Hà Nội đến thăm cụ nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, những ký ức, kỷ niệm hào hùng, oanh liệt về người con gái anh hùng liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã anh dũng chiến đấu và hy sinh cao cả cho nền độc lập của đất nước một lần nữa được sống dậy qua lời kể đầy tự hào của cụ và các chị gái của liệt sỹ.

Lắng nghe chuyện về liệt sỹ Đặng Thùy Trâm qua lời kể của mẹ - Ảnh 1.

Nhóm các bạn trẻ ở Hà Nội đến thăm cụ Doãn Ngọc Trâm - mẹ liệt sỹ-bác sỹ Đặng Thùy Trâm nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7.

Sinh ra trong một gia đình trí thức có bố là bác sĩ, mẹ là dược sỹ, Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1966. Ngay lúc đó, Thùy Trâm có thể tìm được cho mình một công việc ở Hà Nội theo đúng ngành nghề. Nhưng theo tiếng gọi cuả miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam chiến đấu, nơi mà có những người dân nghèo khổ, nơi mà những chiến sỹ của ta đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất.

Là người yêu thích văn học, Thùy Trâm đọc nhiều sách, thuộc nhiều thơ, bị ảnh hưởng rất lớn bởi tính cách của Paven Coóc Saghin trong "Thép đã tôi thế đấy", đến Ruồi trâu, những nhân vật mà chất lý tưởng luôn rừng rực trong trái tim thanh xuân của họ. Chị đã ghi trên trang đầu cuốn nhật ký của mình những dòng nổi tiếng của văn hào N.A.Ostrotsky, thể hiện quan điểm sống và lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên thời bấy giờ: "…Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí… để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người".

Lắng nghe chuyện về liệt sỹ Đặng Thùy Trâm qua lời kể của mẹ - Ảnh 2.

Cụ Doãn Ngọc Trâm, dù năm nay đã bước sang tuổi 99, nhưng trí tuệ của cụ vẫn còn minh mẫn.

"Thùy Trâm rất thích môn Văn, không những thích mà còn giỏi văn nữa, sinh hoạt trong nhóm văn nghệ riêng của trường, được nhiều giải thưởng về văn trong đó có giải thưởng toàn quốc về Văn", cụ Doãn Ngọc Trâm chậm rãi chia sẻ.

Dù rất đam mê Văn học nhưng trong thời chiến tranh, gia đình đã động viên Đặng Thùy Trâm rẽ theo ngành Y để phục vụ Tổ quốc, giúp đỡ được nhiều hơn người dân bằng tài năng của mình. "Thực ra ngành Thùy Trâm yêu thích là ngành Văn, vì Thùy Trâm từng rất giỏi Văn và được đi thi Văn toàn quốc nhưng bố mẹ và gia đình khuyên là "Văn thì có thể từ từ, suốt đời phục vụ, nhưng chiến tranh thì chỉ có một nên hiện giờ con hãy cố gắng vào ngành y để phục vụ trực tiếp còn văn học thì để sau này vẫn kịp", cụ Doãn Ngọc Trâm nhớ lại.

Với lý tưởng sống đã chọn, Đặng Thùy Trâm đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường. Là người phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi - thực chất là một bệnh xá tiền phương, chị đã lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở. Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm.

Lắng nghe chuyện về liệt sỹ Đặng Thùy Trâm qua lời kể của mẹ - Ảnh 3.

Cụ Doãn Ngọc Trâm đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về con gái.

Cụ Doãn Ngọc Trâm kể: "Khổ cực nhất là không được yên thân lúc nào. Lúc nào cũng phải chạy bom, làm việc nhưng vẫn phải coi chừng tiếng còi báo động để lánh nạn. Thời đó, tất cả đều không được yên để học hành hoặc làm điều gì cả. Bất kỳ học hay chơi đều phải chú ý để đi tránh bom".

"Ở trong thời bình bây giờ thì không còn chuyện đấy nữa nên các cháu có thể tự do hoạt động. Tôi nghĩ là ngày nay các cháu được yên tâm học tập và nghiên cứu thì nếu đã thích ngành nào nên đi sâu vào ngành đấy để tập trung nghiên cứu chứ không như ngày xưa chỉ suốt ngày lo tránh bom mà không biết tương lai như thế nào", cụ Doãn Ngọc Trâm nhắn nhủ.

Nhân kỉ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y đã đến thăm, tặng quà và tri ân gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm để bày tỏ lòng biết ơn nữ liệt sĩ, người đã anh dũng hy sinh cả tuổi thanh xuân cho độc lập tự do đất nước.

Đến thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và thăm hỏi, chúc sức khỏe cụ Doãn Ngọc Trâm (mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm), Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào và vô cùng biết ơn đối với sự hi sinh thầm lặng của các thế hệ cha anh đi trước, trong đó có liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị là hình ảnh của một chiến sĩ, bác sĩ quyên mình xông pha nơi chiến trường khói lửa, là tấm gương sáng để các thầy thuốc trẻ học tập và noi theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước