Lãng phí sử dụng đất nông nghiệp: Chuyện ở nhiều địa phương

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 04/04/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Số lượng, diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích diễn ra ở hầu hết các địa phương.

Năm nay đã gần 70, cả đời gắn bó với ruộng đồng, chưa bao giờ bà Hoàng Thị Mây (thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, Thái Bình) thấy nhiều nông dân bỏ canh tác như bây giờ. Bà chia sẻ: "Chuột nó không phá thì còn được tí. Thu hoạch bây giờ chỉ được hạt thóc ngon ăn thôi"

Trên những cánh đồng ở Thái Bình, không khó để có thể bắt gặp những thửa ruộng bỏ không như thế này.

Trên phạm vi cả nước, bao nhiêu diện tích trồng lúa bỏ canh tác? Câu trả lời là không ít nhưng cụ thể là bao nhiêu thì vẫn chưa có một con số chính xác.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay: "Xã nhiều khi vì thành tích họ cũng chả báo cáo chính xác đâu. Các địa phương họ cũng không báo cáo thật. Việc người dân bỏ canh tác dẫn đến lãng phí tài nguyên mà đã được hình thành từ hàng triệu năm. Lãng phí những nguồn vốn đầu tư về công trình hạ tầng thuỷ lợi, đường xá phục vụ việc sản xuất lúa".

Làm ruộng không đủ ăn, mùa màng thất bát, người trẻ đi làm công ty, đây đang là những nguyên nhân khiến cho nhiều cánh đồng ở các vùng quê ruộng đất bỏ không canh tác. Từ kết quả giám sát ban đầu, nhiều khuyến nghị đã được các thành viên Đoàn Giám sát của Quốc hội đưa ra nhằm quản lý và khai thác hiệu tài nguyên đất.

"Thực trạng một bộ phận người dân khi ruộng đã được giao cho mình nhưng hiệu quả không cao họ làm việc khác cao hơn thì chỗ đó phải nghiên cứu, đề xuất thế nào, sử dụng nguồn lực đất đai cho nó hiệu quả. Có thể khuyến nghị đưa ra chính sách thu hút doanh nghiệp, người dân góp vào đây để hưởng lợi nhuận. Chứ chúng ta không lãng phí tài nguyên quốc gia về đất đai" - ông Bùi Văn Cường - thành viên Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí nói.

"Đầu tiên là phải đảm bảo an ninh lương thực, có đất mới trồng lúa được. Nhưng với những diện tích trồng lúa không hiệu quả thì phải chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp" - ông Lê Thanh Vân - thành viên Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí nói.

Thực tế cũng cho thấy, hiệu quả trồng lúa chưa hẳn đã thấp nhưng thu nhập của người dân trồng lúa không cao. Nguyên nhân là do quy mô trồng lúa của 1 hộ gia đình tại Đồng bằng sông Hồng manh mún, nhỏ lẻ chỉ khoảng 3 sào một hộ.

Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Chúng ta cần có chính sách mang tính tổng thể, triệt để về đất đai trong nông nghiệp. Ví dụ như vấn đề tổ chức lại sản xuất, tổ chức tích tụ đất đai hoặc là cho phép chuyển quyền sử dụng đất để những hộ gia đình được giao đất nhưng không làm được thì họ có quyền chuyển nhượng quyền đó cho hợp tác xã, cho doanh nghiệp, cho người khác có nhu cầu làm".

Đến tháng 10 tới đây, Đoàn giám sát phải báo cáo kết quả "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020". Các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, việc giảm sát chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi giám sát trọng tâm, rõ địa chỉ, có số chứng minh thuyết phục, như vậy mới đủ sức cảnh tỉnh, răn đe và tạo hiệu ứng xã hội. Nhưng hơn hết là để nhìn rõ tồn tại từ đó có khuyến nghị để thay đổi tư duy, sử dụng dùng hiệu quả nguồn lực đất đai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước