Ở làng nghề trồng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), có một nghệ nhân đã dành nửa đời người để “nâng niu”, “chiều chuộng” giống đào thất thốn. Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, ông Lê Hàm đã thành công trong việc điều chỉnh nhịp sinh học của đào thất thốn để chúng đơm hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Giống đào “quý phái” và “sang chảnh”
Đào thất thốn còn được gọi là đào tiến vua. Theo tương truyền, từ xa xưa, giống đào này rất quý hiếm, khó tìm, lại có vẻ đẹp kiêu sa nên mỗi dịp Tết đến, xuân về thường dùng để tiến cống lên các bậc vua, chúa. Nguồn gốc của cây đào cũng là một ẩn số. Giống đào cổ đã có từ rất lâu nên cái tên Thất Thốn cũng được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Có người cho rằng, gọi là đào Thất Thốn vì cứ khoảng 7 "thốn" (thốn ở đây là định nghĩa theo đơn vị đo trong Đông y. Mỗi thốn dài bằng khoảng một đốt giữa của ngón tay giữa) lại chia ra các cành nhỏ, mỗi đầu cành ra hoa hay có 7 bông tượng trưng cho chữ thất. Có người lại lý giải, lá đào thất thốn dài 7 khoảng thốn, gấp 3 đến 4 lần so với lá đào thường. Một số khác lại lập luận, gọi là thất thốn vì giống đào này trồng từ 7 năm trở nên mới cho ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh.
Nói về giống đào đặc biệt quý hiếm này, nghệ nhân Lê Hàm dùng từ “quý phái và sang chảnh”. Quý phái vì vẻ đẹp làm mê mẩn lòng người, có thể thuyết phục những người chơi khó tính nhất khi ngắm nhìn những bông hoa to, cánh dày màu đỏ thẫm, mượt mà như nhung. Điều đặc biệt là, chỉ giống đào Thất Thốn mới có những bông hoa trổ ra từ dưới gốc cây u cục, thô ráp, xù xì đến những cành cây khẳng khiu, nhỏ nhắn. Sang chảnh vì sự công phu, tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc, theo dõi từng “nhịp thở” từ lúc còn là mầm non đến khi trưởng thành để cây đào khỏe mạnh và ra hoa vào đúng thời điểm theo ý muốn. Đào thất thốn có một đặc tính riêng là chỉ nở hoa vào khoảng sau Rằm tháng Giêng, tức là đã qua dịp Tết Nguyên Đán, vì vậy, với những người yêu đào đất Hà thành, đã có thời gian giống đào này đi vào quên lãng.
Dõi theo từng “nhịp thở” của đào
Ngồi cạnh một gốc đào, ánh mắt đượm buồn, chăm chú nhìn chiếc lá, ông Hàm tỏ vẻ lo lắng vuốt nhẹ thân cây như cách một người cha chăm sóc cô con gái nhỏ bị ốm khi trời trở lạnh, ông thầm thì: “Cây này bị yếu rồi, năm nay chắc sẽ không ra hoa được”. Chỉ với động tác vuốt tay nhẹ lên thân lá, quan sát một vài đặc điểm ở gốc cây mà ông có thể biết chắc được rằng cây nào sẽ không thể trổ hoa và cây nào sẽ có hoa rất đẹp. Người đàn ông tóc đã muối tiêu này chia sẻ, phải dành rất nhiều thời gian, thậm chí là cả đời bên cạnh những gốc đào Thất Thốn thì mới bắt được “nhịp thở” của giống đào quý hiếm này.
Vào những năm 1989, người lính trẻ mới xuất ngũ trở về Thủ đô Hà Nội, rong ruổi đi đến từng vườn đào trong làng Nhật Tân để tìm hiểu các giống đào đang thịnh hành lúc bấy giờ. Sau bao ngày lặn lội, ông nhận ra không có giống đào nào có thể sánh được vẻ đẹp quý phái, kiêu sa như cây đào thất thốn làng Nhật Tân, chỉ có điều, do nhịp sinh học đặc biệt của cây đào không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của những người chơi vào đúng dịp Tết, nên vẻ đẹp ấy dù có quyến rũ đến mấy cũng dần mai một và bị lãng quên. Bắt đầu từ lúc ấy là quãng thời gian học hỏi, nghiên cứu miệt mài trong nhiều năm của nghệ nhân Lê Hàm.
Khó khăn nhất đối với ông Hàm là làm sao có thể điều chỉnh nhịp sinh học cho cây đào Thất Thốn trổ hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Trong thời gian 4 đến 5 năm đầu tiên, ông sử dụng những phương pháp cổ truyền mà cha ông để lại như tưới nước ấm cho cây đào hay sưởi điện, quây nilon nhưng đều không hiệu quả. Đã có lúc ông Hàm muốn buông bỏ, phần vì còn phải lo kinh tế gia đình, phần vì tưởng chừng như ông đang làm một việc bất khả thi. Thế nhưng, những trăn trở và tình yêu với cây đào Thất Thốn đã thôi thúc ông cần mẫn mày mò, sáng tạo ra phương pháp chế ngự được tính tình đỏng đảnh của giống đào quý này. Nghệ nhân Lê Hàm là người đầu tiên thực hiện việc xây “phòng nghỉ” cho đào, ban đầu những “phòng nghỉ” này chỉ là những gian nhà bằng thân tre, nứa rộng chừng 20m2 dùng để che nắng, che mưa cho đào. Nhưng thế chưa đủ để quy phục “nàng Vương hậu”, cây đào Thất Thốn vẫn phập phù nở hoa, năm có, có năm không.
“Ăn cùng đào, ngủ cùng đào”, ông Hàm dồn hết tâm sức cho cây đào thất thốn. Ông dành thời gian quan sát tỉ mỉ, ghi chép lại từng thay đổi của mỗi cây đào trong nhiều năm. Từ đó, ông quyết định thay thế toàn bộ khu “phòng nghỉ” tre nứa bằng khu “phòng nghỉ” hiện đại với thiết kế làm bằng tôn quây kín, có thể tháo lắp linh hoạt và đặc biệt nhất, mỗi “phòng nghỉ” được lắp đặt điều hòa 2 chiều để điều chỉnh nhiệt độ lý tưởng nhất, phục vụ nhịp sinh học thất thường của cây.
Nghệ nhân Lê Hàm chia sẻ: “Mỗi cây đào trồng trong chậu có trọng lượng rất lớn, nếu phải vận chuyển nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cây, vì thế tôi xây dựng những “phòng nghỉ” hoàn toàn cơ động. Tôi để những cây đào có tuổi đời giống nhau vào cùng một khu vực, cứ đến thời gian đào cần được điều chỉnh môi trường sống, tôi sẽ tháo dỡ và lắp đặt khung nhà đến vị trí thích hợp để phục vụ cho cây”.
Khi đã tìm ra phương pháp cách chế ngự những cây đào trưởng thành, ông Hàm lại tập trung ươm mầm, chăm sóc gốc cây giống để gối thành phẩm. Hiện nay, trong vườn nhà nghệ nhân Lê Hàm lúc nào cũng có hơn 200 gốc cây đã đủ tuổi trổ hoa.
Trong suốt hơn 35 năm chính thức gắn bó với nghề trồng đào, nghệ nhân Lê Hàm đã trải qua bao thăng trầm, khó nhọc. 18 năm trở về đây, cây đào Thất Thốn làng Nhật Tân đã đáp trả tình yêu của ông: trổ hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Không những thế, ông Hàm còn có thể cho hoa trổ trước Tết hoặc sau Tết theo đúng ý muốn của mình. Từ mức giá cho thuê đắt đỏ cho một cây đào ra hoa đúng dịp Tết thì bây giờ mức giá đã giảm xuống còn một nửa, điều đó đã vực dậy thú chơi của bao người si mê vẻ đẹp kiêu sa của đào Thất Thốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!