Liên tiếp các vụ bạo lực học đường: Cần tìm ra đúng nguyên nhân

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 04/10/2023 23:09 GMT+7

VTV.vn - Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng. Đâu là nguyên nhân khiến bạo lực học đường không giảm?

Hàng loạt vụ bạo lực học đường đầu năm học mới

Năm học mới bắt đầu chưa đầy tháng mà đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Bạo lực học đường được hiểu là hành vi cố ý hành hạ, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi… xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập. Như vậy, bạo lực học đường có thể xảy ra giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với giáo viên và giữa giáo viên với giáo viên.

Hiện tượng bạo lực không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây, nhờ điện thoại thông minh và và mạng xã hội nên bị phát giác nhiều hơn. Cùng nhìn lại những vụ bạo lực học đường ghi nhận được chỉ trong 1 tuần vừa qua.

Ngày 2/10, một nữ sinh lớp 10 Trường THPT Hồng Đức (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị bạn đè xuống nền nhà rồi dùng guốc đánh chảy máu đầu, phải khâu 4 mũi. Chỉ vì bị cho rằng đã nói xấu bạn.

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường: Cần tìm ra đúng nguyên nhân - Ảnh 1.

Nữ sinh bị bạn học đánh đổ máu

Ngày 25/9, một nam sinh lớp 10 trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã bị nhóm "đàn anh" lớp 12 cùng trường lôi vào nhà vệ sinh đánh ngất tại chỗ, gãy mũi, gãy răng và đa chấn thương, phải nằm viện điều trị hơn 1 tuần.

Cùng ngày, ở Lạng Sơn, nữ sinh lớp 9 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Lỗ, Yên Lỗ, huyện Bình Gia, liên tục bị bạn đánh, tát, giật tóc và thi nhau quát mắng ngay trong lớp học - mặc cho nạn nhân van khóc.

Bạo lực học đường không còn giới hạn ở việc học sinh đánh học sinh mà còn có vụ việc giáo viên dùng bạo lực với học sinh như thế này.

Ngày 29/9, thầy giáo tiếng Anh Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, Hà Nội thóa mạ học sinh.

Cùng ngày, cô giáo chủ nhiệm Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn túm cổ áo kéo lê học sinh lớp 12 tại hành lang lớp học - chỉ vì em này đã không mua đúng loại bánh sinh nhật mà cô dặn. Em này là Bí thư Chi đoàn của lớp. Trước đó em đã quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức.

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường: Cần tìm ra đúng nguyên nhân - Ảnh 2.

Ảnh cắt từ clip.

Khi bạo lực học đường xảy ra tại những bản làng xa xôi

Theo số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Tức là 1 ngày có khoảng 5 vụ.

Không chỉ ở những ngôi trường giữa đô thị lớn, tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra tại những bản làng xa xôi ngay trong những ngôi trường bán trú.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Lỗ tại vùng khó khăn của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, một nữ sinh lớp 9 liên tục bị một số em học sinh khác đánh, tát liên tiếp vào mặt và túm tóc kéo ngã, một số em khác còn cổ vũ, quay clip…

Đã gần 1 tuần trôi qua kể từ ngày vụ bạo lực học đường được phát hiện. Cùng với sự động viên của gia đình và nhà trường, nữ sinh học lớp 9 trong vụ việc đã quay trở lại lớp học, dù vẫn còn ám ảnh, lo sợ. Bởi đây không phải là lần đầu tiên em bị đánh hội đồng, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân của lứa tuổi học trò.

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường: Cần tìm ra đúng nguyên nhân - Ảnh 3.

Nữ sinh lớp 9 vẫn còn ám ảnh, lo sợ sau vụ bạo lực học đường

Với các em học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn, được đến trường đã là điều may mắn. Thế nhưng, lớp học này lại trống tới 9 chỗ ngồi vì các em bị đình chỉ học do liên quan đến vụ bạo lực học đường trên.

Xử lý nghiêm nhưng không tách học sinh vi phạm ra khỏi môi trường giáo dục là việc làm nhân văn, tạo cơ hội cho học sinh nhìn nhận lại và sửa sai. Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn có thể tiếp diễn, nếu thiếu sự quan tâm, gần gũi của các thầy cô, để sớm có biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Công tác tham vấn tâm lý học đường cần được chú trọng

Bạo lực học đường, học sinh thì chịu áp lực từ bạn bè, gia đình, thầy cô. Bản thân thầy cô cũng chịu nhiều áp lực từ nhà trường, công việc, cuộc sống. Không chỉ là những nỗi đau thể xác, mà sức khỏe tinh thần cũng bị tổn hại nghiêm trọng.

Đó là những hậu quả, mà cũng là nguyên nhân không thể chối cãi của bạo lực học đường. Nghiêm trọng hơn, có những học sinh đã phải tìm đến cái chết. Hơn bao giờ hết, công tác tham vấn tâm lý học đường cần phải được chú trọng và đổi mới để có hiệu quả thiết thực đối với cả học sinh và giáo viên.

Phòng tham vấn học đường đã có nhiều năm nay, nhưng để thu hút học sinh tham gia tích cực hơn thì Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) đã tìm cách đổi mới.

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường: Cần tìm ra đúng nguyên nhân - Ảnh 4.

Phòng tham vấn tâm lý tại Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội)

2 cựu học sinh đầu tiên quay lại trường để đồng hành cùng các thầy cô giáo trong hoạt động tham vấn học đường. Yêu cầu tư vấn, giải đáp thắc mắc về học tập, tình cảm bạn bè liên tục được gửi đến.

Không theo lối mòn là diễn giả phát biểu, học sinh lắng nghe. Chương trình tư vấn của trường học này được chia nhỏ thành hơn 10 phòng tham vấn. Ở đó, các chuyên gia sẽ lắng nghe và đưa ra lời khuyên.

Cũng theo chuyên gia, không riêng học sinh mà các thầy cô giáo cũng cần được tham vấn tâm lý. Trọng trách của người thầy rất nặng nề.

Giáo viên cũng cần được lắng nghe, chia sẻ tâm tư và quan trọng nhất là đào tạo kỹ năng ứng xử phù hợp trong môi trường sư phạm.

Đình chỉ công tác của giáo viên, đình chỉ học sinh đánh bạn, thăm hỏi gia đình nạn nhân bạo lực học đường. Suy cho cùng, đây cũng chỉ là những giải pháp trước mắt sau khi các vụ việc đau lòng đã xảy ra rồi.

Quan trọng hơn cả là ngành giáo dục phải tìm được rõ nguyên nhân để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, để giảm dần tình trạng này, nhất là tình trạng giáo viên bạo hành học sinh.

Ở trường học phổ thông, học sinh không chỉ được học những kiến thức cơ bản mà còn cần được rèn dạy về đạo đức. Những giá trị đạo đức căn bản (tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương…) sẽ giúp cho con người sống tốt đẹp hơn. Chứ không phải là nơi dùng bạo lực để thể hiện bản thân, để giải tỏa ức chế, áp lực.

Qua đây, chúng ta có thể thấy nếu có tinh thần thoải mái, có sức khỏe tâm thần ổn định, có gắn kết thấu hiểu của nhà trường, gia đình, bạn bè, có mới tránh được những suy nghĩ tiêu cực, từ đó tránh được những hành vi bạo lực học đường.

Cùng tham gia trao đổi trong chương trình Vấn đề hôm nay là PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên gia tâm lý học, Hiệp hội tâm lý giáo dục Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước