Lo lắng thái quá hậu COVID-19: Không cần thiết, có thể phản ứng ngược!

Hồ Trí, Thùy Dương, Gia Long, Phùng Định-Thứ hai, ngày 14/03/2022 12:17 GMT+7

VTV.vn - Người người tìm đến khám và điều trị hậu COVID19 chỉ vì tâm lý hoang mang lo sợ, thậm chí cứ thuốc nào nghe đồn tốt - là tìm mua về uống. Điều này có thật sự cần thiết?

Hậu COVID-19, dồn dập người đi khám. Người người gửi niềm tin vào "thần dược" còn hậu quả về sau cũng không biết thế nào, thậm chí gieo lên nỗi hoang mang thái quá.

Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đã làm cho người bệnh nhẹ đi hoặc không có triệu chứng. Chính vì vậy, mặc dù chúng ta vẫn tuân thủ nguyên tắc 5K nhưng cũng không còn quá lo sợ khi mắc F0. Tuy nhiên, nhiều người không được như vậy bởi ngay cả khi đã khỏi bệnh, họ lại lo lắng thái quá. Điều này có nên hay không?

Lo lắng thái quá hậu COVID-19: Không cần thiết, có thể phản ứng ngược! - Ảnh 1.

Mất tiền khám hậu COVID-19 vì hoang mang thái quá

Mặc dù tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19 hiện ở mức thấp nhờ hiệu quả bao phủ vaccine nhưng với những hiểu biết còn hạn chế về hậu COVID-19, khó tránh việc nhiều người vẫn đang rất lo lắng về rủi ro tổn hại sức khoẻ.

Nỗi lo này là không sai và nó cũng giúp cho chúng ta không chủ quan trước dịch bệnh, tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Ví dụ như do sợ hãi trước di chứng của COVID-19 nên nhiều người đã khỏi bệnh cứ bị ám ảnh tâm lý hay vội vàng đi săn lùng các loại sản phẩm hỗ trợ mà không rõ thực sự bệnh tình của mình ở mức nào. Nhiều khi điều đó còn khiến gây tác dụng ngược - gọi là "tâm bệnh".

Lo lắng thái quá hậu COVID-19: Không cần thiết, có thể phản ứng ngược! - Ảnh 2.

"Các triệu chứng vẫn là triệu chứng của COVID-19, vì em mới khỏi có mấy ngày gần đây. Những triệu chứng như thế này có thể kéo dài cả tháng, không cần can thiệp bằng thuốc" - Mặc dù bác sĩ đưa ra lời khuyên là vậy, nhưng một nữ bệnh nhân vẫn một mực yêu cầu được kiểm tra tổng quát diện rộng kèm theo đơn thuốc. Lý do chỉ vì cô có "cảm giác" mình bị rụng tóc hậu COVID-19.

Thể theo yêu cầu của bệnh nhân, sau khi chụp chiếu, phổi và các cơ quan không có dấu hiệu đáng lo ngại. Lúc này, lo thì đã hết nhưng ngại là chi phí đã lên đến tiền triệu.

Mặc dù mất thời gian lẫn tiền bạc nhưng chỉ tính riêng tại phòng khám Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hàng ngày đã có hàng chục bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành về đây thăm khám. Phần lớn trong số đó là các bạn trẻ, dù bệnh lý hậu COVID-19 không nghiêm trọng nhưng vẫn đi khám chỉ vì nghe người khác… mách bảo.

Vị chi hơn 3 triệu đồng cho cuộc thăm khám hậu COVID-19, số tiền này bằng nửa tháng lương làm công nhân. Đi khám chỉ vì hoang mang chứ không hề có bệnh lý nặng và kéo dài, nghĩ cũng xót nhưng sự nuối tiếc của người này chưa vơi thì người khác lại đã tiếp diễn.

Nở rộ các gói điều trị hậu COVID-19

Bởi vậy, có cầu ắt có cung, rất nhiều cơ sở y tế bỗng chốc nở rộ các dịch vụ khám hậu COVID-19, với đủ mức giá và ưu đãi khác nhau, dao động từ 1 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng cho một gói. Đáng nói, mỗi nơi tư vấn và khám một kiểu khiến người bệnh như lạc vào "ma trận".

Theo các chuyên gia, không phải bệnh nhân nào cũng mắc hậu COVID-19 và cũng không phải tất cả F0 sau khi đã âm tính đều phải làm các chỉ định cận lâm sàng quá mức cần thiết. Bởi chỉ có 3 nhóm nên đi khám hậu COVID-19 đó là:

- Người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa...).

- Người từ 60 tuổi trở lên, bởi nhóm người này có nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát, nhưng sau khi mắc COVID-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn.

- Những người trong lúc mắc COVID-19 phải nhập viện do bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy trở lên, sốt cao phải nhập viện.

Lạm dụng "thần dược" trên mạng điều trị COVID-19

Ắt nhiều người nghĩ mình vẫn còn may mắn vì không vội đi khám khi chưa có triệu chứng rõ ràng và kéo dài. Tự an ủi và động viên bằng những "thần dược" được mọi người rỉ tai nhau hoặc được mách nước trên mạng xã hội.

Lo lắng thái quá hậu COVID-19: Không cần thiết, có thể phản ứng ngược! - Ảnh 3.

Hậu COVID-19, bà Nga dành hẳn ngăn tủ phòng khách để làm nơi để thuốc và thực phẩm chức năng với mong muốn những "thần dược" vừa Tây, vừa Tàu này sẽ giúp sức khoẻ cả gia đình hồi phục nhanh chóng.

Mặc dù bác sĩ đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn gửi niềm tin vào những chuyên gia tự phong trên mạng. Chỉ cần một thắc mắc về tình trạng sức khỏe hậu COVID-19 thì ngay lập tức đã có hàng chục lời tư vấn sử dụng sản phẩm.

Thượng vàng hạ cám có cả, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng cho 1 sản phẩm, đặc biệt, già uống cũng được mà trẻ dùng cũng chả sao.

Có bệnh vái tứ phương, người bệnh tự xoa dịu bản thân. Mặc dù ít nhiều biết chắc, trong số sản phẩm đã mua, có thể dùng sai mục đích và số nhiều là hàng không rõ nguồn gốc và kém chất lượng.

Nhiều sản phẩm điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc

Chưa bàn về mất tiền nhưng lạm dụng các sản phẩm được cho là thần dược không rõ nguồn gốc, không rõ chỉ định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thực tế, thời gian qua, lợi dụng tâm lý hoang mang của những F0 khỏi bệnh nên nhiều đối tượng đã trục lợi.

Từ đầu tháng 3 đến nay, lực lượng chức năng đã liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng được đưa ra thị trường để tiêu thụ.

Lo lắng thái quá hậu COVID-19: Không cần thiết, có thể phản ứng ngược! - Ảnh 4.

Nhiều thuốc COVID-19 không rõ nguồn gốc bị bắt giữ. Ảnh: SK&ĐS

Được giới thiệu là thần dược chữa COVID-19 bởi chúng được giới thiệu, nếu uống sớm có thể phòng bệnh, uống khi dương tính với virus SARS-CoV-2 thì chóng hết bệnh, còn nếu hậu COVID-19 thì có thể phục hồi lại sức khoẻ trong tích tắc. Tuy nhiên, trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất, không có tem nhãn phụ tiếng Việt và chưa được kiểm duyệt của Bộ Y tế. Trên thị trường, hiện nay, mỗi hộp thuốc đang được các đối tượng giao dịch với giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Nếu chủ quan vẫn dễ tái nhiễm COVID-19

Những người đã mắc COVID-19 nhưng lại rơi vào thái cực là chủ quan rằng mình đã hoàn toàn miễn nhiễm và cuối cùng chỉ trong thời gian rất ngắn đã nhiễm biến chủng khác của SARS-CoV-2.

Mặc kệ số F0 cứ tăng, nhiều người vẫn thản nhiên không đeo khẩu trang tập thể dục. Nhìn những hình ảnh đó, ít ai nghĩ Hà Nội đang ghi nhận hàng chục nghìn ca mỗi ngày.

2 lần mắc COVID-19 trong 1 tháng, chị Nhung phải liên tục đối diện với những cơn ho sốt, khó thở… Trước đó, chị chưa bao giờ nghĩ F0 lại tiếp tục gọi tên.

Lo lắng thái quá hậu COVID-19: Không cần thiết, có thể phản ứng ngược! - Ảnh 5.

Bệnh nhân Tống Xuân Sơn đang được chăm sóc tại BV Thanh Nhàn dương tính với COVID-19 lần một từ 25/2 đến 2/3 âm tính trở lại tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn, đến 7/3 lại tiếp tục tái nhiễm với một biến chủng mới.

Thậm chí, chỉ trong vòng 2 tuần, một nam bệnh nhân mắc tới 2 lần COVID-19, mỗi lần nhiễm 1 biến chủng khác nhau. Do có nhiều bệnh nền nên lần tái mắc này ông phải nhập viện.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, mỗi ngày tiếp nhận hàng chục lượt bệnh nhân tái nhiễm COVID-19. Theo các bác sĩ, nhiều người có quan niệm sai lầm về nguy cơ tái mắc nên chủ quan trong việc phòng dịch.

Như vậy, dù đã từng là F0 thì vẫn có nguy cơ tái lại nhiều lần. Sẽ chẳng có lá chắn nào là chắc chắn ngoài việc tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K, để bảo vệ cho chính mình và những người xung quanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước