Tại Thừa Thiên - Huế mưa lớn từ tối 9/10 đến sáng 10/10 đã làm cho mực nước trên sông Bồ vượt mức lũ lịch sử tại địa phương này vào năm 1999. Điều này đã làm cho tỉnh Thừa Thiên - Huế phải gánh chịu một trận lũ lớn chưa từng có và gây nhiều thiệt hại nặng nề.
Lũ trên các sông ở Huế đang lên nhanh, đặc biệt sông Bồ tại Phú Ốc đã vượt mức 5,4m vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,22m. Mưa lũ cũng đã làm 3 người chết, 6 người bị thương, hơn 24.000 ngôi nhà bị ngập từ 0,2 - 1,2m, các tuyến quốc lộ 1A, 49A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập cục bộ gây ách tắc giao thông.
Nhiều tuyến đường tại TT-Huế ngập sâu.
Tại các vùng vùng trũng thấp của Thừa Thiên - Huế như Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, mưa lũ tiếp tục làm các địa phương này bị cô lập và gây chia cắt. Còn tại khu vực Bãi Chuối, Lăng Cô huyện Phú Lộc cũng phát hiện 1 phương tiện tàu biển đang bị mắc cạn chưa rõ tên tàu và số lượng thuyền viên.
Trong sáng 10/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ.
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế ưu tiên vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ở vùng thấp trũng và vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, đồng thời tiến hành khẩn trương các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập.
Tính đến 5h ngày 10/10, các địa phương tại Thừa Thiên - Huế đã tiến hành di dời 2.865 hộ dân với 8.360 nhân khẩu đến nơi ở tạm an toàn, các thủy điện Hương Điền, Bình Điền và Hồ Tả Trạch cũng đã được lệnh tăng lưu lượng xả lũ theo tình hình thực tế, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Quảng Nam nước lũ dâng cao
Sáng 10/10, tại Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to tại huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và Thăng Bình. Hiện các địa phương Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My và Đại Lộc đã sơ tán các hộ dân vùng xung yếu đến nơi an toàn. Một số địa phương như Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc, Nam Trà My đã bị thiệt hại với hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu, một số ngôi nhà ở Nam Giang bị đổ sập do sạt lở.
Sáng 10/10, tại Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to
Các tuyến đường giao thông lên các huyện miền núi phía Tây tiếp tục sạt lở tại nhiều điểm, ngoài ra một số trường học cũng bị thiệt hại. Các địa phương đã bố trí, di dời giáo viên, học sinh nội trú đến nơi an toàn. Nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tại các địa phương cũng bị hư hỏng, thiệt hại do mưa lớn kéo dài những ngày qua
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cảnh báo người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét tại các sông, suối nhỏ và sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông suối, thuộc các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước; ngập úng tại các vùng trũng thấp ở hạ lưu các sông trên địa bàn tỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!