Do gió mạnh khiến đám cháy ngày càng lan nhanh. (Ảnh: Báo Tin tức)
Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đang tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện tiếp cận các điểm còn khói âm ỉ để khống chế đám cháy rừng trên núi Cô Tô.
Người dân đứng theo dõi vụ cháy từ xa. (Ảnh: Báo Tin tức)
Các đám cháy xuất hiện rải rác nhiều vị trí. Đêm tối, khu vực núi cao hiểm trở, lại không có đường dân sinh nên việc tiếp cận các đám cháy rất khó khăn.
Cùng với các đám cháy, những tiếng nổ lớn cũng liên tục xuất hiện trong chiều tối qua. Để đảm bảo an toàn, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng hỗ trợ làm nhiệm vụ chữa cháy tại khu vực núi Cô Tô đã rút về tạm nghỉ.
Trên đỉnh núi xuất hiện hơn 10 điểm cháy. (Ảnh: Báo Tin tức)
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn, nguyên nhân cháy trên núi Cô Tô chậm được dập tắt là do nền nhiệt rất cao, lên đến khoảng 40 độ C, các lớp thực bì khô. Khu vực núi Cô Tô có nhiều hốc đá, hang động có nhiều cây cối, bụi rậm khiến lửa cháy âm ỉ rất khó tiếp cận để khống chế.
Trong sáng nay, các lực lượng làm nhiệm vụ sẽ tiếp tục triển khai công tác chữa cháy tại núi Cô Tô. Mục tiêu là khống chế các đám cháy sớm nhất có thể.
Nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng ở mức cao
Nắng nóng gay gắt trên cả nước đang khiến nhiều cánh rừng có nguy cơ cháy rất cao.
Theo Cục Kiểm Lâm, hiện nay vùng cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm đã lan rộng ra 119 điểm ở các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng và rải rác ở Nam Bộ.
Có tới 212 điểm cảnh báo cháy rừng cấp 4 - cấp nguy hiểm trải dài từ Bắc vào Nam. Nếu sơ suất để xảy ra cháy rừng thì ngọn lửa dễ lan rộng và khó kiểm soát.
Cục Kiểm Lâm khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng lửa trong rừng và gần bìa rừng trong giai đoạn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!