Mất rừng, khai thác nước ngầm làm gia tăng khô hạn

Tấn Quýnh-Thứ năm, ngày 21/03/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Nhiều ý kiến cho rằng những gì người dân vùng khô hạn đang hứng chịu hiện nay là do tình trạng mất rừng và khai thác nước ngầm quá mức tại các vùng sản xuất.

Hạn trong mùa khô đã lặp đi lặp lại hàng năm ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đáng báo động hơn, càng về sau, khô hạn càng khốc liệt khiến các địa phương gặp khó khăn khi ứng phó.

Giữa lòng hồ là nơi để đàn trâu, đàn bò tìm những bụi cỏ còn sót lại. Trong lòng hồ, đất lại khô đến nứt nẻ. Gắn bó từ nhỏ với hồ Đankia - Suối Vàng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, những người như ông Yôshol dễ nhận thấy một thực tế đó là càng về sau, cứ đến mùa khô, hồ lại càng dễ bị cạn nước.

Một trong những nguyên nhân là hồ Đankia - Suối Vàng bị bồi lắng ở mức báo động. Bồi lắng đã làm giảm khả năng tích nước, kéo theo hệ lụy cứ đến mùa khô là hồ cạn nước.

Theo người dân trong vùng, trước đây, các ngọn đồi quanh hồ là rừng thông, nhưng nay nhà kính đã leo lên đồi. Như vậy, quanh hồ chứa nước vừa không còn rừng để giữ nước, vừa gia tăng xói lở, gây bồi lắng dưới lòng hồ. Đây là một trong những tác nhân gia tăng mức độ suy kiệt lượng nước ở 230 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Mất rừng, khai thác nước ngầm làm gia tăng khô hạn - Ảnh 1.

Hồ Đankia - Suối Vàng khô hạn trơ đáy. (Ảnh: NLĐ)

Để chống hạn, nhiều nông dân khoan giếng. Anh Hiếu (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) trồng 5 sào hoa hồng, khoan đến 2 giếng nước. Ước tính mỗi lần tưới, mỗi sào 1.000 m2 cần đến 6 m3 nước mà cứ 2 - 3 ngày phải tưới một lần. Theo tính toán của các nhà khoa học, cả vùng Tây Nguyên mỗi ngày có đến 1,5 triệu m3 nước lấy lên khỏi lòng đất.

"Có nhà khoan đến 7 - 8 giếng mà không có nước", anh Phạm Văn Hiếu chia sẻ.

Diện tích đất nông nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng trên 300.000 ha. Đằng sau quy mô sản xuất này có cả những mặt trái khi thời gian qua liên tục xảy ra nạn phá rừng lấy đất sản xuất cũng như ồ ạt khai thác nước ngầm phục vụ trồng trọt.

"Dùng nước ngầm để tưới trong nông nghiệp là điều cực kỳ cấm kỵ bởi nước ngầm khai thác rồi thì còn đâu nước trữ dưới lòng đất", PGS. TS. Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, nhận định.

Hàng loạt giải pháp cấp bách đang được các địa phương triển khai để ứng phó khô hạn, nhưng hầu hết cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nếu những tác động đến tài nguyên rừng, tài nguyên nước không được kiểm soát thì việc chống hạn càng ngày càng nan giải và tốn kém hơn.

El Nino gây nắng nóng, khô hạn, cháy rừng El Nino gây nắng nóng, khô hạn, cháy rừng

VTV.vn - Tình trạng khô hanh do thiếu mưa, thời tiết nóng tại Bắc Bộ cùng với cao điểm mùa khô ở Nam Bộ và dự báo hiện tượng El Nino kéo dài đã gia tăng nguy cơ cháy rừng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước