Tháng 7 vừa qua là tháng mưa nhiều lịch sử ở miền Bắc. Hàng loạt các trạm đo mưa như Chi Nê tại Hòa Bình, Phố Ràng thuộc Lào Cai; Hoài Đức ở Hà Nội, Hưng Yên và Ninh Bình mưa đặc biệt lớn từ 379 - 685mm.
Ở Bãi Cháy - Quảng Ninh, Cò Nòi - Sơn La và thành phố Sơn La, lượng mưa năm nay không chỉ là lịch sử của riêng tháng 7, mà còn là kỷ lục tháng mưa nhiều nhất từ trước đến nay. Tổng lượng mưa lên tới 577 đến 950mm.
Đêm 23, rạng sáng ngày 24/7 ở người dân Sơn La hứng chịu trận mưa lũ lịch sử lớn nhất từ năm 1991. Mưa lớn trút xuống dữ dội, làm toàn bộ 7 huyện, thành phố của tỉnh này chìm trong biển nước. Nơi ngập nặng nhất là xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, 39 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn trong nước. Đây là trận lũ lịch sử trong vòng 40 năm qua.
Ngay sau đó 1 ngày, đêm 24 rạng sáng 25/7 trận lũ quét bất ngờ xảy ra ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên khiến 7 người thiệt mạng và mất tích. 53 ngôi nhà cùng tài sản trong bao năm tích cóp của bà con bị cuốn trôi theo dòng lũ. Đây cũng là trận lũ lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Ngoài ra, từ tháng 7 đến nay, mưa lũ cũng tàn phá một loạt các tỉnh thành như Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Yên Bái và TP. Hà Nội. Số người thiệt mạng do mưa lũ đã hơn 50 người, hàng nghìn nhà dân hư hỏng, hàng loạt tuyến đường trọng điểm bị sạt lở. Hơn 40.000 ha lúa, hoa màu và hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị thiệt hại nặng nề.
Nguyên nhân gây mưa lớn lịch sử ở miền Bắc
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: “Thứ nhất, tháng 6-7 là tháng mùa mưa chính ở Bắc Bộ, tổng lượng mưa trung bình trong 2 tháng này chiếm khoảng 30-35% tổng lượng mưa năm.
Thứ hai, đây là giai đoạn chuyển từ pha nóng (El Nino) sang trạng thái trung tính nên hệ thống khí quyển toàn cầu có sự biến động lớn và làm cho quy luật thời tiết nói chung trên thế giới cũng như tại Việt Nam có sự xáo trộn, gây ra mưa lũ bất thường hơn.
Từ tháng 6 đến nay, miền Bắc đã xảy ra 6 đợt mưa lớn diện rộng. Hình thế gây mưa chủ yếu trong giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái Elnino sang trung tính ở Bắc Bộ là không bất thường: bao gồm rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực, dải hội tụ nhiệt đới kết hợp bão, áp thấp nhiệt đới.
Tuy nhiên đi kèm với các hình thế này là tất cả đều có kết hợp với hội tụ gió Đông Nam hoặc Tây Nam dày từ tầng thấp lên tầng cao, nên mưa thường xảy ra trên những khu vực hẹp cấp tỉnh như: Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên,...
Cường độ mưa rất lớn và xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn nên đã gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở nhiều nơi.
Ngoại trừ đợt mưa do tác động trực tiếp của bão số 2 thì các đợt mưa còn lại thời gian mưa lại chủ yếu xảy ra vào chiều tối và đêm, do đó thiệt hại cũng lớn hơn do khó khăn trong việc quan sát, ứng phó.
Thực tế không chỉ Việt Nam mà mưa bão, lũ lụt cũng hoành hành nhiều nơi trên thế giới với mức độ tàn phá khủng khiếp.
Mưa bão, lũ lụt hoành hành ở nhiều quốc gia
Sự khởi đầu mùa bão ở các đại dương cũng đã đánh dấu một năm thiên tai khắc nghiệt trên khắp hành tinh.
Ở Đại Tây Dương, bão Beryl hình thành vào ngày 30/6 và sau 1 ngày đã mạnh lên cấp siêu bão cấp 5 với sức gió lên tới 260 km/h, trở thành siêu bão xuất hiện sớm nhất trong lịch sử.
Tổ chức khí tượng thế giới cảnh báo siêu bão Beryl với cường độ tăng cấp chưa từng thấy có thể là dấu hiệu cho một mùa bão rất nguy hiểm trên Đại Tây Dương.
Còn phía Tây Bắc Thái Bình Dương, siêu bão Gaemi là cơn bão mạnh nhất quét qua Đài Loan, Trung Quốc trong 8 năm qua. Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên trước đường đi của bão Gaemi, khi nó rập rình trên biển rồi bất ngờ tăng tốc đổ bộ vào đất liền mà vẫn duy trì được cường độ lớn. Sau khi đi qua Đài Loan với sức gió kỷ lục 227 km/h, hôm 25/7, siêu bão Gaemi đã đổ bộ vào phía Đông Nam Trung Quốc, cường độ vẫn rất mạnh, là cấp 12.
Các nhà khoa học cho rằng, nhiệt độ mặt nước biển ấm bất thường, cộng với điều kiện chuyển pha từ Elnino sang Lanina là các yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của các siêu bão này.
Ngoài bão thì mưa lũ cũng đang hoành hành và gây thiệt hại tại nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là nơi thiệt hại nặng nề. Lượng mưa trung bình toàn quốc cao hơn so với mức trung bình, với 30 trạm thời tiết ghi nhận lượng mưa cao kỷ lục. Các nhà chức trách cho biết đã ban hành 3.683 cảnh báo lũ trên sông và 81 cảnh báo thảm họa lũ lụt. Gần 5.000 hồ chứa đã phải xả tổng cộng 99 tỷ m3 nước lũ để ngăn nguy cơ hơn 6,5 triệu người phải sơ tán.
Cuối tháng 7 vừa qua, mưa lớn, lũ lụt kỷ lục trên diện rộng đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở Đông Bắc Nhật Bản. Đây là đợt mưa lũ chưa từng có trong suốt 100 năm qua tại Nhật Bản. Nhiều tuyến đê bị vỡ gây ngập lụt nghiêm trọng tại các khu dân cư, trong đó có nơi bị ngập tới 5,7 mét. Một số đường giao thông trọng yếu bị sạt lở làm tê liệt giao thông.
La Nina - Yếu tố quyết định thời tiết cuối năm 2024
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Hiện tượng ENSO vẫn đang ở pha trung tính và tiếp tục duy trì đến khoảng cuối tháng 8. Dự báo có thể chuyển sang trạng thái La Nina từ tháng 9-11/2024 với xác suất 60-70%. Khí quyển đại dương chuyển trang thái nhanh từ nóng sang lạnh như vậy sẽ là yếu tố bất lợi có thể gây ra hệ quả thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước mắt từ nay đến hết tháng 9 là là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên chúng ta vẫn phải đối mặt với các đợt mưa lớn, hệ quả nguy cơ gắn liền là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi cần phải cảnh giác ở mức cao.
Dự báo xa hơn trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024 với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa, bão ở Trung Bộ nên khả năng diễn biến bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các nguy cơ:
- Lương mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung Bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt, và ngập lụt đô thị
- Lũ quét và sạt lở đất: Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao nơi có tính chất đất không ổn định.
- Bão và áp thấp nhiệt đới: La Niña có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm. Từ nay đến hết năm 2024 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 8-10 cơn bão/ATNĐ; trong đó có 04-05 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Nguy cơ tác đông đến hoạt động tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản ven biển.
Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng dông lốc cả trên đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ động ứng phó với La Nina các tháng cuối năm
Theo thống kê của Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, chỉ riêng tháng 7, mưa đặc biệt lớn ở miền Bắc đã làm 59 người thiệt mạng. Còn từ đầu năm đến nay, thiên tai khiến 112 người thiệt mạng, mất tích, cao gấp gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.
Với dự báo tháng 8, tháng 9, vùng núi phía Bắc tiếp tục mưa lớn, trong khi đất đá đều đã bão hòa nước, nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét xảy ra trên diện rộng.
Ở miền Trung, chỉ còn 1 tháng nữa cũng bước vào mùa mưa bão. Ngay bây giờ phải rà soát ngay các phương án ứng phó với bão, lũ. Năm nay, dự báo sẽ tương đồng với năm 2020 - một năm La nina thiên tai kinh hoàng. Vì thế, có thể dựa trên các phương án đã triển khai vào năm 2020 để cập nhật, bổ sung. Để công tác phòng chống thiên tai được hiệu quả, ngoài vai trò then chốt của chính quyền cơ sở, phải có sự vào cuộc của tất cả người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!