4.100 tỷ đồng là số tiền công đức, tài trợ thực thu trong năm ngoái được Bộ Tài chính công bố. Một số tiền không hề nhỏ nhưng số tiền này chưa bao gồm các khoản công đức, tài trợ cho các hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn, thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Công đức, tài trợ khi đi lễ chùa hay tới các cơ sở tín ngưỡng là một thói quen, văn hóa của người Việt. Đó là một khoản đóng góp tự nguyện, hay nhiều người vẫn nói là tùy tâm, vì vậy việc quản lý tiền công đức, tài trợ là vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm vì nhiều nguyên nhân như liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, nhu cầu, nguyện vọng cá nhân người đóng góp.
Tuy nhiên, thực tế thất thoát tiền công đức, tài trợ ở nhiều di tích lịch sử cho thấy, việc quản lý khoản tiền này tại nhiều nơi chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và tình trạng trục lợi.
Thất thoát tiền công đức, tài trợ
Nhiều thành viên cùng chứng kiến mở hòm công đức, số tiền sau kiểm đếm được lập biên bản đưa cho thủ quỹ cất giữ và gửi tiết kiệm, có đầy đủ hồ sơ sổ sách. Đó là cách quản lý tiền công đức, tài trợ ở Đền Rừng, Long Biên, Hà Nội. Quy trình tưởng như chặt chẽ, khó có thể thất thoát nhưng cuối năm 2022, gần 5,6 tỷ đồng do nhân dân địa phương và thập phương công đức nhiều năm nay đã bị thủ quỹ rút tiền và chuyển vào tài khoản cá nhân, đến nay chưa thu hồi lại được.
Tiền do tập thể công đức cho di tích nhưng lại để 1 cá nhân đứng tên trên sổ tiết kiệm và tự cất giữ, đây chính là nguyên nhân dẫn đến những rủi ro thất thoát tiền công đức, tài trợ, tình trạng như ở đền Rừng không phải là câu chuyện cá biệt.
Tiền công đức, tài trợ ở khu di tích Đồng Kỵ được giao cho Trưởng ban và thủ quỹ của Ban di tích làng cùng đứng tên trên sổ tiết kiệm, thế nhưng những cá nhân này đã dùng sổ tiết kiệm thế chấp ngân hàng vay lấy tiền sau đó cho người khác vay lại. Tổng số tiền công đức, tài trợ bị thất thoát đến nay chưa thu hồi được là hơn 53 tỷ đồng.
Cách quản lý tiền công đức, tài trợ của nhiều di tích hiện nay đó là gửi sổ tiết kiệm theo hình thức để 1 cá nhân hoặc nhiều cá nhân cùng đứng tên. Và thực tế là các vụ thất thoát tiền đều xuất phát từ việc không có cơ chế rõ ràng để quản lý được các cá nhân tự ý rút tiền.
Thất thoát tiền công đức, tài trợ không chỉ là mất tiền, mà nhiều hơn đó là mất niềm tin bởi những đồng tiền đóng góp đó xuất phát từ tấm lòng của người dân với mong mỏi được sử dụng đúng mục đích.
Người dân với mong mỏi tiền công đức được sử dụng đúng mục đích nhưng có đúng mục đích hay không thì hoàn toàn phụ thuộc cơ sở tôn giáo, di tích đó. Bởi theo quy định, các cơ sở tôn giáo không phải là di tích thì không thuộc đối tượng phải báo cáo Bộ tài chính, tuy nhiên đây cũng là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm bởi việc minh bạch quản lý tiền công đức, tài trợ của những cơ sở tôn giáo sẽ là nguồn lực hiệu quả giúp cho phát triển cơ sở vật chất, làm phong phú đời sống tinh thần và sự tin tưởng của người dân.
Còn với các di tích, cách quản lý tiền công đức, tài trợ hiện nay cũng đặt ra nhiều vấn đề trong hoạt động thu, chi và bảo quản nguồn lực kinh tế không hề nhỏ này.
Khó quản lý tiền công đức, tài trợ
Gần 6000m2 đất xung quanh chùa Nga Hoàng ở Vĩnh Phúc là phần diện tích mà ông Lê Hữu Long, trước đây từng là trụ trì chùa xin giữ lại sau khi bị miễn chức vụ trụ trì. Sự việc này từng gây xôn xao dư luận về những nghi ngờ nguồn gốc tài sản mà ông Long cho rằng có giá trị nhiều tỷ đồng là từ tiền của cá nhân ông Long hay là tiền công đức, tài trợ cho chùa. Đến nay đã gần 5 năm, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, địa phương thì vẫn chưa thể xử lý 1 cách triệt để.
Câu chuyện về chùa Nga Hoàng đặt ra vấn đề về việc quản lý tiền công đức, tài trợ. Hiện nay, tiền công đức, tài trợ của các chùa Phật giáo thì do nhà sư trụ trì, trông giữ và toàn quyền sử dụng theo đúng quy định của tổ chức Giáo hội, việc báo cáo thu chi cơ bản dựa vào sự trung thực của các cá nhân. Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai 1 số giải pháp để sắp tới đây tăng cường việc quản lý tiền công đức, tài trợ.
Với nhiều di tích là đình, đền, miếu do địa phương quản lý thì số tiền công đức, tài trợ lại giao cho các cá nhân đứng tên sổ tiết kiệm. Thực tế này dẫn tới nhiều rủi ro về pháp lý dẫn tới dễ bị thất thoát tiền và tài sản do người dân đóng góp.
Thực tế tại các di tích là đền, chùa có đặt đĩa, đặt khay trên các ban thờ khiến du khách đặt nhiều loại tiền lộn xộn, không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự mà còn gây lòng tham cho người khác. Tại những di tích chưa lắp camera, việc thực hiện thu gom tiền có đảm bảo minh bạch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích.
Thông tư 04/2023 của Bộ Tài chính với những nội dung chi tiết, cụ thể hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích đã chính thức có hiệu lực từ 19/3 năm ngoái là văn bản có tính mở đường, góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ. nhưng không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Từ đây, nhiều giải pháp để công tác này đạt được hiệu quả cao hơn cũng đã được triển khai tại nhiều địa phương. Câu chuyện tại một ngôi đền ở miền Trung - Nơi đã từng xẩy ra những lùm xùm liên quan đến tiền công đức vào cuối năm ngoái, cho thấy, khi địa phương vào cuộc, khi có sự tham gia giám sát của cộng đồng thì việc công khai, minh bạch tiền công đức, tài trợ không còn là chuyện khó làm, hay cần phải né tránh nữa.
Minh bạch trong thu chi tiền công đức, tài trợ
Đầu năm nay, khi được bàn giao lại cho Ban quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân, cùng với những quy định rõ ràng hơn từ Thông tư 04, những ồn ào về việc thu chi tiền công đức đã lắng xuống, đền Chợ Củi đã có một cách vận hành khác.
-Bàn công đức có sổ ghi chép, đền có tài khoản riêng tiếp nhận tài trợ.
-Hòm công đức được niêm phong và 1 tuần sẽ được thu gom 1 lần, có camera giám sát.
-Điều thay đổi nhất chính là công tác kiểm điểm có sự chứng kiến đầy đủ từ đại diện thôn, xã, huyện và ban quản lý. Mỗi đợt kiểm đếm đều có biên bản kí xác nhận.
Chính từ những thay đổi này mà tiền công tư từ chỗ khoán cho gia đình chủ nhang là 2,5 tỷ một năm thì sau 6 tháng công khai thu chi, số tiền công đức của đền chợ Củi đã là 16 tỷ.
Thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lắng nghe, nắm bắt tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Trường hợp vướng mắc liên quan đến quy định tại Thông tư 04 sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư cho phù hợp.
Về phía giáo hội phật giáo Việt Nam, trong suốt 2 năm xây dựng thông tư 04, giáo hội đã cùng bộ tài chính bàn thảo nhiều lần để đưa ra những quy định sát với thực tế. Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản số 62 hướng dẫn cụ thể Ban quản trị và trụ trì chùa, cơ sở tự viện của giáo hội thực hiện thông tư 04.
Việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy những di tích ấy không thể chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, mà cần sự chung sức của cả cộng đồng. Trong đó tiền tài trợ, công đức là một nguồn lực không nhỏ. Biết khơi gợi và quản lý tốt tiền tài trợ, công đức chính là biết khoan sức dân, đóng góp cho mặt trận văn hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!