Mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, Việt Nam áp dụng test nhanh COVID-19 như thế nào?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 08/09/2020 09:06 GMT+7

VTV.vn - Điều kiện tiên quyết khi mở cửa đón khách quốc tế vào Việt Nam là thay đổi chiến lược xét nghiệm, tập trung test nhanh tại các sân bay, đảm bảo vừa nhanh vừa chính xác.

Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế với một số quốc gia đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, ngày 15/9 mở lại đường bay quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và ngày 22/9 dự kiến mở lại đường bay tới Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia.

Chưa có quyết định cuối cùng của Chính phủ nhưng chủ trương nối lại đường bay thương mại đã được bàn thảo trong các cuộc họp gần đây, trong đó điều kiện tiên quyết là thay đổi chiến lược xét nghiệm, với nội dung trọng tâm là tập trung xét nghiệm nhanh tại các sân bay, đảm bảo vừa nhanh vừa chính xác.

Hiện nay, Việt Nam đã đáp ứng được xét nghiệm PCR với 132 phòng xét nghiệm trên cả nước, và xét nghiệm nhanh kháng thể nhưng chưa sản xuất được xét nghiệm nhanh kháng nguyên - loại xét nghiệm được một số nước trên thế giới đang sử dụng rộng rãi tại sân bay. Cũng vì vậy, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các chuyên gia đã đề xuất, trong khi chờ sản phẩm sản xuất trong nước, trước mắt Việt Nam xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh (test nhanh) tìm kháng nguyên có chất lượng cao từ một số nước tiên tiến để sử dụng tại các cảng hàng không.

Mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, Việt Nam áp dụng test nhanh COVID-19 như thế nào? - Ảnh 1.

Nhân viên kiểm dịch lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại sân bay Narita, Nhật Bản, ngày 25/6/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trên thế giới hiện có hơn 250 loại test nhanh nhưng xét nghiệm PCR vẫn là hình thức xét nghiệm có độ chính xác nhất. "Test nhanh mà chính xác như PCR đang trong giai đoạn phát triển. Nhưng chúng ta vẫn sử dụng test nhanh vì có thể xét nghiệm một lúc nhiều người ngay tại sân bay. Điều này rất có lợi trong giai đoạn hiện nay khi nhiều người nhập cảnh cùng lúc" - PGS.TS. Trần Đắc Phu lý giải.

Nhận định về sai số 20% của phương pháp này được ghi nhận tại Nhật Bản, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho hay: "Ưu điểm của kit test ở Nhật Bản là xét nghiệm rất nhanh, lấy mẫu đơn giản qua nước bọt, độ đặc hiệu 95%, độ nhạy khoảng 76%. Điều này nghĩa là những ca xác định dương tính có thể chính xác tới 95% nhưng có thể bỏ sót những ca tại cộng đồng, có thể lên tới 25%. Tất nhiên họ cũng có biện pháp để quản lý để không bỏ sót những trường hợp dương tính ở cộng đồng".

Còn với Việt Nam, trong thời gian tới, khi mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, sẽ có ít nhất 5.000 khách quốc tế vào Việt Nam trong tháng 9. Vì vậy, Việt Nam cũng hướng tới phát triển kit test nhanh tại sân bay, sau đó áp dụng tổng thể các biện pháp khác như: xét nghiệm PCR, kết hợp cách ly, theo dõi người bệnh...

Hiện nay, đã có 3 đơn vị tại Việt Nam đang nghiên cứu các kit test nhanh tìm kháng nguyên và đang ở những khâu cuối cùng để có sản phẩm. Song song với việc sản xuất, hoàn thiện các kit test nhanh tìm kháng nguyên, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng chỉ đạo mua kit test từ nước ngoài. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, dù là sản xuất hay mua từ nước ngoài, các bộ kit test nhanh tìm kháng nguyên cũng phải đảm bảo được chất lượng cũng như kỹ thuật trong tất cả các khâu để có được kit test có chất lượng cao và chính xác.

Mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, Việt Nam áp dụng test nhanh COVID-19 như thế nào? - Ảnh 2.

"Chúng ta hoàn toàn có thể tự tin khi mở cửa lại các đường bay quốc tế" - PGS.TS. Trần Đắc Phu khẳng định.

Đường bay quốc tế được nối lại chẳng khác nào tiếp thêm Oxy cho ngành hàng không, du lịch, rồi đến toàn bộ nền kinh tế, bởi một số lượng không nhỏ các dự án lớn tại Việt Nam phải "đắp chiếu" nằm chờ các chuyên gia nước ngoài, lao động tay nghề cao suốt mấy tháng qua chưa thể trở lại. Không tránh khỏi lo lắng, nghi ngại khi tình hình dịch bệnh thế giới vẫn diễn biến khó lường nhưng không thể vì dịch bệnh mà cả xã hội bất động, không phát triển.

Hơn nữa, năng lực, kinh nghiệm phòng chống COVID-19 của Việt Nam đã mạnh lên rất nhiều. Trọng trách lúc này phần lớn đặt lên vai ngành y tế, làm sao có thể xét nghiệm nhanh và đảm bảo chính xác, hiệu quả. Điều đó chỉ thực sự đạt được khi chúng ta sớm chủ động được thiết bị xét nghiệm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước