Trước việc số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao tại Hà Nội, cùng với việc triển khai cho F0 thể nhẹ có đủ điều kiện được cách ly, điều trị tại nhà, tại các bệnh viện tuyến cuối, bên cạnh việc dồn mọi nguồn lực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng thì các bác sĩ tại đây vẫn đang phải đảm bảo cả hoạt động khám chữa bệnh thông thường.
Đặc biệt trước diễn biến mới của dịch bệnh, các bệnh viện đều đã huy động và bổ sung các bác sĩ thông thường sang làm công việc của một bác sĩ hồi sức, cấp cứu, sẵn sàng cho công tác thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19 Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: "Chúng tôi phải tăng cường thời gian làm việc, công năng làm việc của các bác sĩ. Với diễn biến dịch như thế này, tất cả bác sĩ ở tất cả các chuyên ngành buộc phải đào tạo lại và cập nhật kiến thức để vừa tham gia điều trị bệnh nhân thông thường và vừa tham gia các vấn đề dịch".
TS.BS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết thêm: Chúng tôi đã chuẩn bị 300 nhân lực, tất cả được tập huấn đầy đủ, đặc biệt hơn 100 anh em được tập huấn về hồi sức tích cực đối với bệnh nhân COVID để đáp ứng được nhu cầu này".
Để đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ kép, trong đó quan trọng nhất là cấp cứu bệnh nhân chuyển độ kịp thời cũng như giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19, xây dựng quy trình làm việc khoa học, phân bổ nhân lực hợp lý là bài toán các bệnh viện luôn phải linh hoạt và kết nối chặt chẽ với tuyến Trung ương để thực hiện tốt.
"Chúng tôi chia làm 3 vòng. Vòng đầu tiên là vòng lõi, các bác sĩ điều trị trực tiếp trong khu vực có bệnh nhân COVID-19. Vòng hai bên ngoài là các bác sĩ trưởng khoa phụ trách từng khu vực một, vòng ngoài nữa là tiểu ban điều trị chuyên môn có thể kết nối, giao ban trực tuyến để nếu bệnh nhân trở nặng thì có sự thích ứng ngay", bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường nói.
PGS.TS. Bác sĩ Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cho biết: "Nhờ thiết kế và quy trình làm việc chặt chẽ tính an toàn đặt lên hàng đầu nên các nhân viên y tế hoàn toàn có thể luân chuyển giữa Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cơ sở 1 với Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID".
Mặc dù vậy, với số ca mắc đang tăng cao như hiện nay, để đảm bảo các bệnh viện tuyến cuối hoạt động thông suốt cả hai nhiệm vụ thì theo các bác sĩ, đội ngũ y tế cơ sở cần đánh giá tình hình, phân tầng bệnh nhân chuẩn xác đồng thời kiểm soát, giữ liên lạc chặt chẽ để người bệnh thể nhẹ yên tâm điều trị tại nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!