Trong tuần vừa qua, bão số 2 đã đổ bộ vào nước ta. Đây là cơn bão không mạnh nhưng lại gây ra một đợt mưa lớn cho Bắc bộ và Bắc Trung Bộ. Con số thiệt hại cũng không hề nhỏ, ít nhất là đã có 8 người thiệt mạng và mất tích. Đáng chú ý trong đợt mưa này, Hà Nội đã bị ngập liên tiếp 3 lần.
Vấn đề ngập đô thị là hội tụ của nhiều nguyên nhân. Dưới góc độ thời tiết, do giờ đây mưa lớn thường xảy ra trong thời gian ngắn một vài tiếng, vượt mức chịu đựng của hệ thống thoát nước. Đáng chú ý là những trận mưa có cường độ lớn như vậy xuất hiện ngày càng dày đặc hơn, dẫn đến việc cứ mưa là ngập.
Điện Biên Phủ là thành phố đầu tiên ghi nhận ngập úng vào tối ngày 10/8 do bão số 2. Lượng mưa tại đây là 21 mm nhưng nó đổ xuống trong thời gian cực ngắn, hơn 30 phút, nếu quy đổi theo thang phân cấp mưa, cường độ sẽ tương đương với lượng mưa 504mm giàn trải trong 24 giờ, mưa rất lớn. Vì thế một số tuyến đường ở thành phố đã bị ngập nặng, thậm chí còn tràn vào nhà dân, mọi người phải vội kê cao đồ đạc.
Mưa lớn cực đoan ở Hà Nội không còn hiếm gặp
Sáng hôm sau, TP Hòa Bình cũng đã phải hứng chịu trận mưa to tương tự như vậy, trên 100mm trong 4 giờ, nước không kịp thoát đã gây ngập tại nhiều tuyến phố. Các phương tiện đi lại khó khăn, một số còn bị chết máy.
Tại Hà Nội, đêm mưa bão đầu tiên cũng có mưa to từ 40-50mm nhưng lại trải đều nhiều tiếng đồng hồ nên không gây ngập. Nhưng sau đó, cường độ mưa tăng lên, ngập úng đã xuất hiện 3 lần, trong đó sáng 12/8 là ngập sâu và rộng nhất. Nhiều tuyến phố ngập tới hơn nửa mét.
Tính từ đầu mùa mưa tới nay, Thủ đô Hà Nội đã phải hứng chịu 4 trận mưa lớn hàng trăm mm và gây ngập sâu. Biến đổi khí hậu và hiệu ứng đô thị làm tần suất xảy ra mưa lớn cực đoan ở Hà Nội ngày càng dày đặc. Trước kia có khi phải vài năm hoặc vài chục năm mới xuất hiện một trận mưa như vậy, còn từ tháng 5 tới nay, đều đặn mỗi tháng, ngập 1 lần.
Sang đến hôm nay, thời tiết tốt hẳn lên, hầu như không còn dấu vết của trận ngập hôm qua nữa. Thế nhưng ngay tại Thủ đô Hà Nội vẫn có những nơi, bà con đang phải chật vật sống giữa nước ngập sau mưa và tìm mọi cách để thích ứng.
15 hộ dân cuối ngõ 139 Âu Cơ, phường Tứ Liên vẫn đang phải bì bõm lội nước - hệ quả sau mưa lớn 2 ngày vừa qua. Những bao cát đã trở thành tấm chắn giúp ngăn nước không tràn vào nhà dân. Và hễ nước tràn vào, máy bơm được sử dụng liên tục để bơm nước ra phía ngoài.
Kê cao đồ đạc cũng là một giải pháp. Như nhà bà Phượng, bàn thờ gia tiên được đôn thêm chân. Còn ghế bàn ăn nay dùng để kê tủ lạnh. Các đồ dùng trong nhà luôn được sắp xếp để sẵn sàng vận chuyển lên cao khi có mưa lớn.
Những đôi ủng đã được xếp sẵn để bà con có thể sử dụng mỗi khi đi lại trong ngõ. Bởi nước ngập cũng phải mất 1-2 tuần mới rút hết. Đây đã là lần ngập thứ 4 từ đầu năm đến giờ với các hộ dân Tứ Liên. Không ai nghĩ sống giữa lòng Hà Nội, bao năm nay họ đã phải tập thích nghi với việc lụt lội. Và giờ đây, cứ mỗi lần nghe đài báo có mưa, bà con lại thường trực nỗi sợ ngập.
Theo nhận định của các chuyên gia, đợt mưa vừa qua là đợt mưa lớn nhất trong tháng 8. Bởi lúc này, vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu xuất hiện của một cơn bão hay áp thấp nhiệt đới nào trong tháng 8. Tuy nhiên từ tháng 9 trở đi, bão sẽ xuất hiện dồn dập, khả năng sẽ còn 8-10 cơn xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có 3-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Hơn nữa tháng 9 vẫn là tháng mùa mưa ở Hà Nội và miền Bắc với lượng mưa dự báo có thể ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy ngập úng chắc chắn sẽ còn lặp lại.
Trước các đợt mưa bão, những biện pháp chống ngập từ sớm là việc quan trọng cần làm. Đặc biệt bà con ở những khu vực trũng, có thể chuẩn bị sẵn các bao cát, tính toán về phương án chuyển đồ đạc lên cao. Trong những ngày thời tiết tốt, bà con nên tranh thủ kiểm tra, nạo vét các đường cống rãnh quanh nhà, để nước mưa có thể rút nhanh hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!