Công nhân Công ty Cấp Thoát nước Hà Nội túc trực tại điểm úng ngập ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt. Ảnh: TTXVN.
Đến 6h30 sáng 12/8, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện hàng chục điểm ngập. Cụ thể như tại phố: Bùi Xương Trạch; Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân; Nguyễn Trãi; Nguyễn Chính; phố Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy); Trần Bình (đoạn cổng UBND phường Mai Dịch); Thụy Khuê (dốc La Pho).
Ở khu vực quận Long Biên, có địa điểm ngã tư Cổ Linh đoạn gần Trung tâm thương mại Aeon maill (Long Biên) có đoạn ngập dài khoảng 50 mét, nước tràn cả lên vỉa hè, phương tiện đi lại khó khăn, nhất là đối với xe máy. Còn tại phố Hoàng Như Tiếp, khu vực trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã ba Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ cũng bị dềnh, ngập nước.
Tại các khu vực khác trên địa bàn thành phố xuất hiện một số điểm ứ đọng nước như: Ngô Xuân Quảng (trước cổng Học viện Nông Nghiệp Việt Nam (Gia Lâm), Nam Đuống (trước tòa nhà An Quý Hưng - Long Biên); Đức Giang (từ chợ Đức Hòa đến ngõ 97 - Long Biên), trục thoát nước qua ngõ 80 Hoa Lâm, Yên Duyên (đường vành đai 3), Đại lộ Thăng Long (hầm chui dân sinh số 3, 5, Km 9+ 656 - Hoài Đức); Ecohome 3 (bao gồm trường tiểu học Đông Ngạc - Bắc Từ Liêm), Đại lộ Thăng Long giao ngã ba Lê Trọng Tấn cũng bị ngập nặng.
Công nhân Công ty Cấp Thoát nước Hà Nội túc trực từ đêm tại điểm thường xuyên xảy ra úng ngập nặng ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt để xử lý việc tiêu thoát nước. Ảnh: TTXVN.
Công ty Trách nhiễm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết lượng mưa đo được trên địa bàn thành phố phổ biến từ 70 - 200mm. Tính từ 7h ngày 11/8 đến 6h30 ngày 12/8, tại quận Hoàn Kiếm có lượng mưa 121mm; Ba Đình 121mm; Mỹ Đức có lượng mưa cao là 292 mm; Ứng Hòa 220mm; Hai Bà Trưng 166 mm; Hoàng Mai 178mm; Đống Đa 127mm; Thanh Xuân 173mm; Cầu Giấy 171mm; Nam Từ Liêm 217mm; Hà Đông 187mm; Long Biên 97mm; Gia Lâm 99mm...
Theo nhận định của Công ty Trách nhiễm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, với lượng mưa như trên, việc xảy ra úng ngập tại Hà Nội là khó tránh khỏi. Công ty đang triển khai các biện pháp để hạn chế úng ngập. Trong đó có việc cắt cử công nhân ứng trực tại các điểm ngập để tua vớt rác, đưa nước về miệng hố thu; vận hành các trạm bơm: Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước nhanh nhất.
Ách tắc giao thông cục bộ tại tuyến đường Chùa Bộc (quận Đống Đa). Ảnh: TTXVN.
Ách tắc giao thông cục bộ tại tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa). Ảnh: TTXVN.
Tại một số khu vực, do ảnh hưởng mưa dềnh, ngập nước, một số tuyến đường, phương tiện đi lại khó khăn. Các tuyến đường khác ở nội đô như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Ngã Tư Sở… xảy ra ùn ứ, có chiều hướng tắc cứng vào thời điểm vào thời điểm đi làm của người dân. Tại các điểm ùn ứ, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cũng đã xuất hiện làm nhiệm vụ hướng dẫn giao thông, tuy nhiên do lượng phương tiện quá nhiều dồn vào thời điểm đầu giờ sáng, nên nhiều khu vực ngã ba, ngã tư người dân phải đội mưa, chờ đợi nhiều nhịp đèn đỏ mới có thể di chuyển được.
Một số hình ảnh các tuyến phố biến thành sông sau trận mưa lớn đêm 11/8:
Đường Phạm Hùng chìm trong biển nước (Ảnh: Thành Công)
Đường Phạm Hùng ngập nước khiến các phương tiện di chuyển khó khăn (Video: Thành Công)
Khu vực ngã tư Keangnam (Hà Nội) đầu giờ sáng. Tất cả các phương tiện gần như không thể nhúc nhích. (Ảnh: Cao Phượng Diễm)
Một đoạn ngõ Đội Cấn ngập trong biển nước (Ảnh: Thu Linh)
Ngập sâu tại tuyến phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy) (Ảnh: Người lao động)
Nhiều phương tiện không dám di chuyển qua đoạn ngập sâu vì lo sợ chết máy (Ảnh: Người lao động)
Đường Dương Đình Nghệ cũng rơi vào cảnh tương tự (Ảnh: Người lao động)
Giao thông ùn tắc do các phương tiện di chuyển chậm qua các khu vực ngập (Ảnh: Người lao động)
Các phương tiện di chuyển khó khăn tại tuyến đường Phạm Văn Đồng (Ảnh: Người lao động)
Đường Nguyễn Trãi lúc 7h30, giao thông ùn ứ hướng đi Hà Đông - Ngã Tư Sở (Ảnh: Dân trí)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!