Lượng nước từ đầu nguồn đổ về, chảy xiết đã làm sạt lở 120m đất bên bờ sông Đăk Pxi, gây xói lở hàm ếch trên 3m2 tại cầu Đăk Pin. Mưa lớn cũng làm ngập cầu tràn Đăk Vét và làm gãy, sập cầu bê tông thôn 10, xã Đăk Pxi, ước tính thiệt hại lên đến cả chục tỷ đồng. Nhiều diện tích lúa, cà phê và cây ăn quả của người dân đang trong kỳ thu hoạch, cũng đang bị ngập úng.
Quảng Trị nguy cơ lũ chồng lũ
Tại Quảng Trị, lũ trên các sông Đăk Rông và Thạch Hãn đều lên nhanh và đạt đỉnh phổ biến ở mức xấp xỉ báo động 3, có nơi trên báo động 3, riêng sông Hiếu vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983. Do đó, dự báo Quảng Trị đang có nguy cơ lũ chồng lũ trong những ngày tới.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương vùng núi tăng cường cảnh giác trước nguy cơ sạt lở, còn các địa phương vùng trũng thấp sẵn sàng phương án ứng phó với lũ kéo dài. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 6 người tử vong, 6 người mất tích và 2 người bị thương do đợt mưa lũ vừa qua.
Quảng Ngãi lên phương án di dời gần 15.000 hộ dân
Gần 15.000 hộ dân Quảng Ngãi tại các khu vực có khả năng bị ngập khi nước dâng đã được lên phương án di dời. Tỉnh xác định khu vực có nguy cơ cao là các xã dọc lưu vực 4 sông lớn của tỉnh và các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, và TP Quảng Ngãi. Đồng thời tỉnh cũng đã lên phương án di dời người dân vùng sạt lở ở các huyện miền núi Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà và Trà Bồng đến nơi an toàn.
Quảng Bình có nguy cơ lũ kép
Đêm 11/10 và sáng 12/10 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa lớn trở lại kèm theo gió lớn đã khiến nước tại các con sông, suối đã dâng lên rất nhanh. Nếu tình trạng mưa lớn lần này kéo dài, tỉnh Quảng Bình sẽ có nguy cơ lũ chồng lũ.
Tính đến thời điểm hiện tại, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến gần 15.000 ngôi nhà tại tỉnh Quảng Bình ngập sâu trong nước. Bên cạnh đó, đã có 1 người tử vong và 1 người đang mất tích, cùng nhiều thiệt hại khác vẫn chưa có thể thống kê được. Tình trạng sạt lở diễn ra khá nhiều trên các tuyến đường từ tỉnh lộ cho đến các đường liên thôn, liên xã.
Thừa Thiên Huế cứu trợ người dân vùng lũ
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, mực nước trên sông Hương đạt đỉnh 4,17m trên báo động 3. Tình trạng ngập lụt, chia cắt đối với các địa phương tiếp diễn gây nhiều khó khăn cho người dân. Công tác cứu hộ, vận chuyển nguồn nhu yếu phẩm đến với người dân đang được tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai với sự tham gia tích cực của lực lượng vũ trang.
Đường Đập Đá (TP Huế) chìm trong nước lũ (Ảnh: QĐND)
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động các phương tiện ca nô, tàu thuyền và lực lượng công an, bộ đội vận chuyển hơn 14.000 thùng mì ăn liền, nước uống, thuốc mem kịp thời tiếp ứng cho những hộ dân đang bị ngập sâu .Trong ngày hôm nay, nguồn nhu yếu phẩm trên sẽ được chuyển đến tận tay người dân, không để xảy ra tình trạng người dân bị đói rét trong lúc nước lũ còn dâng cao.
Cũng trong sáng 12/10, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương, cơ quan ban ngành chức năng đánh giá công tác ứng phó với lũ lụt trong những ngày qua, đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vê người dân và tài sản trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ trong những ngày tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!