Bị rắn hổ mèo cắn khi đang làm vườn, anh Lê Văn Tiến ở thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng tay chân tê nhức, suy hô hấp. Anh Tiến được các y bác sĩ Bệnh viện khám, xét nghiệm phối hợp thẩm tách siêu lọc máu lấy chất độc kịp thời. Sau 1 ngày nhập viện, sức khỏe anh đã ổn định.
"Lúc bị cắn không biết rắn gì mà khi mình đập chết thì mấy bạn nói là hổ mèo. Xuống bệnh viện được điều trị thì giờ thấy trong người đỡ hơn", anh Tiến cho biết.
Trong tuần qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận 08 bệnh nhân bị rắn độc cắn. Các bệnh nhân khi nhập viện được các bác sĩ xét nghiệm sàng lọc loại độc tố để có phương pháp điều trị kịp thời. Đến nay, có 2 bệnh nhân đã xuất viện, 6 bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định, chỉ còn theo dõi vết cắn để tránh hoại tử cơ về sau.
Theo các chuyên gia y tế, rắn độc cắn xảy ra nhiều trong mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Ở Ninh Thuận, loại rắn độc chủ yếu là rắn hổ mèo, rắn lục nưa (còn gọi là rắn chàm vạp) và rắn lục đuôi đỏ thường sinh sống tại vùng núi, nương rẫy. Bị rắn độc cắn nguy hiểm đến tính mạng và tổn hại sức khỏe về lâu dài nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên phát quang bụi rậm, hạn chế đi lại vào ban đêm ở những vùng đồi núi, nơi ẩm thấp, nhất là thời điểm sau khi mưa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!