Mực thối tẩy trắng vào nhà hàng ở chợ Long Biên: Lỗ hổng "chết người" ở đâu?

Chuyển động 24h-Thứ hai, ngày 17/05/2021 11:18 GMT+7

VTV.vn - Những con mực mai bốc mùi hôi thối, chảy nhớt, chỉ qua màn phù phép ngoáy trong hóa chất đã trở nên trắng giòn.

Biết là độc hại, thế nhưng mỗi ngày, hàng trăm kg mực ngâm hóa chất vẫn len lỏi trong các khu chợ, các nhà hàng, lên từng mâm cơm của mỗi gia đình

Những ngày gần đây, cùng với nhiều thông tin đáng lo ngại về tình hình dịch bệnh COVID-19, người dân lại phải gánh thêm một nỗi lo nữa là thực phẩm bẩn. Tưởng như ở yên trong nhà chống dịch thì đã an toàn, thế nhưng nguy cơ lại đến từ những bữa ăn trên bếp.

Hình ảnh phù phép mực thối bằng hóa chất đã được phóng viên Chuyển động 24h bí mật ghi lại trong nhiều ngày đã khiến cho người tiêu dùng vô cùng bức xúc. Hành vi này của các đối tượng gian thương thực sự đã làm cho con đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngày càng trở nên ngắn hơn.

Vạch trần thủ đoạn tẩy trắng mực thối bằng hóa chất

0h, khi mọi người đã ngon giấc thì ở một góc phía sau chợ Long Biên, nhóm người này bắt đầu ngày làm việc. Bên trong thùng nước đen sì, bốc mùi hôi thối nồng nặc này là những con mực mai đông lạnh đã được ngâm suốt từ 17h để rã đông.

Mực thối tẩy trắng vào nhà hàng ở chợ Long Biên: Lỗ hổng chết người ở đâu? - Ảnh 1.
Mực thối tẩy trắng vào nhà hàng ở chợ Long Biên: Lỗ hổng chết người ở đâu? - Ảnh 2.

Công đoạn đầu tiên của việc sơ chế là ném thẳng những con mực có trọng lượng hơn 1kg xuống nền đất bẩn thỉu, tiếp đó dùng dao bóc bỏ lớp mai cứng phía bên trong. Phần lớn những con mực này đều đã có dấu hiệu hôi thối, hư hỏng, chảy nhớt nên giá bán tại đây cũng chỉ rẻ bằng nửa giá thị trường

Sau khi bóc bỏ lớp mai, những con mực được moi hết phần nội tạng bên trong và rửa sạch dưới vòi nước để giảm bớt chất nhớt. Tuy nhiên, tất cả những công đoạn này không thể biến những con mực thối thành mực sạch mà bắt buộc phải qua công đoạn phù phép đặc biệt gọi là "ngoáy" trong hóa chất.

"Ngoáy nó đẹp, đẹp lắm, con mực nó cứng hơn, nhưng mà khổ, ăn cái con mực ngoáy toàn hóa chất là ô xy với muối", người bán cho biết.

Theo người này, oxy có tác dụng tẩy trắng, ăn không tốt nhưng vì các nhà hàng cứ thích mẫu mã đẹp nên người bán… phải theo "chứ chất đấy trên Tivi nói bị cấm rồi, không ảnh hưởng thì làm sao cấm được".

Vì không biết là mình cũng đang được lên tivi nên chỉ một lát sau, những nhân viên của cơ sở này bắt đầu màn ngâm tẩm mực trong hóa chất. Bước đầu tiên là cho cả chục gói muối vào trong thùng phi chứa nước, tiếp đó cho mực đã mổ bỏ hết nội tạng vào trong thùng.

Mực thối tẩy trắng vào nhà hàng ở chợ Long Biên: Lỗ hổng chết người ở đâu? - Ảnh 3.
Mực thối tẩy trắng vào nhà hàng ở chợ Long Biên: Lỗ hổng chết người ở đâu? - Ảnh 4.
Mực thối tẩy trắng vào nhà hàng ở chợ Long Biên: Lỗ hổng chết người ở đâu? - Ảnh 5.

Công đoạn quan trọng nhất là một chai nhựa chứa dung dịch trong suốt, được người thanh niên này lấy ra từ góc nhà và đổ thẳng vào trong thùng chứa mực. Theo lời giới thiệu của những nhân viên của cơ sở này, đây là oxy già công nghiệp, có tính ăn mòn và tẩy trắng rất mạnh.

Chính vì thế, người thanh niên này đã phải đeo găng tay cao su dài đến tận cổ tay trước khi cho tay vào thùng ngoáy đều dung dịch để ngấm vào những con mực. Biết là độc hại nên người bán khuyên phóng viên thà ăn những con mực thối vứt lăn lóc dưới nền đất này còn hơn là ăn mực đã ngâm hóa chất.

Dù khuyên không nên ăn nhưng mỗi đêm, camera bí mật vẫn ghi lại nhiều lần nhân viên của cơ sở này ngâm tẩm hóa chất vào cả tấn mực. Sáng hôm sau, những con mực thối đã được phù phép trở nên trắng sạch, xếp sẵn vào khay để bán ra thị trường. Để thêm phần tươi ngon, người phụ nữ này lại tiếp tục đổ thêm hóa chất vào khay trước khi xuất bán.

Có thể thấy rõ mực sau khi ngâm hóa chất trắng sạch hơn, cứng hơn và đã được loại bỏ hết chất nhớt. Kinh hoàng là từ mà nhiều người thốt lên sau khi xem những hình ảnh trên. Điều đáng nói đây không phải là thủ đoạn, chiêu trò gì mới mà vốn đã diễn ra nhiều năm nay, dù người bán biết rõ đây là những hóa chất độc hại, không được phép cho vào thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Vậy sử dụng mực ngâm oxy già có thể gây ra tác hại như thế nào đối với cơ thể?

Những nguy cơ đối với sức khỏe khi sử dụng mực ngâm hóa chất

PGS.TS. Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: "Rửa kỹ nhiều lần cũng không thể loại bỏ được hết các chất độc như oxy già dùng để tẩy trắng hải sản (bạch tuộc, mực ống...). Thực phẩm có thể dùng chất tẩy trắng nhưng phải tuân theo các tiêu chuẩn hết sức khắt khe.

Pháp luật không cho phép ngâm hải sản trong chất tẩy trắng với liều cao và thời gian dài. Với oxy già, nếu đã ngấm vào cơ thể sẽ gây tác hại. Về lâu dài, người ăn sẽ bị mắc các bệnh về đường ruột, thần kinh, viêm loét dạ dày và các bệnh mạn tính khác... đồng thời phá hủy vitamin B1 trong cơ thể. Thiếu vitamin B1 sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của cơ thể".

Đường đi của mực thối ngâm hóa chất

Độc hại thì đã thấy rõ, thế nhưng loại thực phẩm này đến với dạ dày của chúng ta như thế nào?

Đều đặn vào 6h hàng ngày, người phụ nữ này đến mua khoảng 10kg mực. Dù đã được ngâm tẩm, tẩy rửa kỹ từ đêm, nhưng chủ hàng vẫn không quên khuyến mại thêm vào mỗi túi mực 1 ít oxy già công nghiệp.

Rời chợ hải sản Long Biên, người phụ nữ này đi thẳng đến một khu chợ dân sinh tại Hà Nội. Chỉ sau vài phút chuẩn bị, những con mực được ngâm tẩm đầy hóa chất đã được bày ra, sẵn sàng bán cho người dân tại khu vực này với mức giá tăng lên gấp đôi. 220.000 đồng/con là giá người bán đưa ra. Khi người mua lăn tăn sợ mực ngâm hóa chất, người bán vẫn khẳng định chắc nịch không bán hàng vớ vẩn, mực này không nhúng, tẩy, chỉ… ngâm đá.

Mực thối tẩy trắng vào nhà hàng ở chợ Long Biên: Lỗ hổng chết người ở đâu? - Ảnh 6.
Mực thối tẩy trắng vào nhà hàng ở chợ Long Biên: Lỗ hổng chết người ở đâu? - Ảnh 7.

Có lẽ những khán giả đã từng mua mực ở đây sẽ nhớ suốt đời sau khi xem phóng sự này. Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm đến duy nhất của những con mực ngâm hóa chất.

Cũng lấy khoảng 10kg mực tại cơ sở kinh doanh hải sản Minh Phát, mỗi tuần vài lần, một người đàn ông chở mực đi vòng vèo qua nhiều con phố, điểm đến cuối cùng là 1 nhà hàng tại địa chỉ 198 phố Xã Đàn - Hà Nội. Túi mực được xách lên tầng 2, giao cho nhà bếp chế biến.

Người này cho biết giao cho nhà hàng tầm 2, 3 tháng trở lại đây, một tuần 1-2 đơn, mỗi đơn 5-6 kg. Phía nhà hàng kiểm tra, cân, nhận hàng, trả hóa đơn cho người giao.

Dù việc nhà hàng này nhập mực bẩn từ cơ sở tại chợ Long Biên đã được ghi lại đầy đủ nhưng ngay sau khi sự việc bị phát hiện, khách hàng phản ứng, nhà hàng này đã đưa ra những thông tin sai lệch nhằm che dấu nguồn gốc thực phẩm bẩn. Cho rằng người giao hàng chỉ đến chào hàng nhưng nhà hàng không nhận, thậm chí gọi điện hù dọa... đã mời công an vào cuộc vì khách hàng đã chia sẻ những thông tin liên quan đến nhà hàng này.

Theo người giao hàng này, toàn bộ số mực được giao tại cơ sở 198 Xã Đàn đều không có hóa đơn chứng từ từ đơn vị cung cấp. Thậm chí, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, thứ bắt buộc phải có khi mua bán những mặt hàng này, chủ nhà hàng cũng không quan tâm.

Chỉ đến khi sự việc bị đưa lên các phương tiện truyền thông, quản lý nhà hàng mới yêu cầu người giao hàng cung cấp giấy tờ. Tuy nhiên, tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra cửa hàng tẩy trắng mực bằng hóa chất Minh Phát, cơ sở này không có bất cứ giấy tờ gì ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Triệt phá cơ sở dùng hóa chất tẩy trắng mực

Sau nhiều tháng phóng viên Chuyển động 24h phối hợp trinh sát cùng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Ba Đình, rạng sáng 12/5, cơ quan công an đã bất ngờ kiểm tra cửa hàng hải sản Minh Phát ở phía sau chợ Long Biên, bắt quả tang nhân viên của cơ sở này đang sử dụng hóa chất oxy già công nghiệp để tẩy trắng mực bán ra thị trường.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ 1 chai nhựa còn chứa khoảng 30ml dung dịch oxy già cùng 30kg mực mai đã tẩy trắng. Nhân viên của cơ sở này thừa nhận đã nhiều lần sử dụng oxy già để làm sạch mùi hôi thối, tẩy trắng mực, dù biết rõ đây là chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Toàn bộ tang vật đã bị cơ quan chức năng lập biên bản niêm phong, các nhân viên của cơ sở này cũng được lấy lời khai để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhiều lỗ hổng "chết người" trong việc quản lý an toàn thực phẩm

Sau khi vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng này bị vạch trần, nhiều góc khuất của việc chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn đã phơi bày trước ống kính của các máy quay giấu kín.

Người sơ chế, tẩy trắng mực dùng mọi thủ đoạn để kiếm lời còn người tiếp tay buôn bán thực phẩm bẩn ra sức chối bỏ trách nhiệm khi bị phát hiện, chỉ có người tiêu dùng là lãnh đủ hậu quả.

Tại chợ Khâm Thiên, 1 ngày sau khi cửa hàng bán mực bẩn ngâm hóa chất được đưa lên sóng, không còn thấy những con mực được bày bán tại đoạn vỉa hè quen nhưng bà chủ hàng vẫn loanh quanh tại khu chợ, nghe ngóng tình hình.

Khi được hỏi "Hôm nay cô không lấy mực ở chợ Long Biên à?", người này phủ nhận "Chả bao giờ lấy cả, làm gì có tiền mà buôn mực, người ta… quay nhầm".

Người bán thản nhiên chối bỏ dù vẫn đang mặc trên người bộ quần áo đi lấy mực tại chợ Long Biên hôm trước. Trong khi đó, nhiều người dân tại khu vực chợ Khâm Thiên hốt hoảng nhận ra mình cũng đã từng mua mực tại quầy hàng này. "Giật mình thực sự đấy ạ, chắc là cũng có mua, em không nghĩ là về tận chợ Khâm Thiên nhà em" hay "Phải có lãi, có công nhưng mà tự mình cứ giết mình, hại mình thế này thì chết mất" là những lời chia sẻ của một số người dân tại đây.

Việc bán hàng tại các khu chợ như thế này đều chịu sự giám sát và phải nộp lệ phí cho ban quản lý nhưng chất lượng, nguồn gốc hàng hóa ra sao thì không ai quan tâm.

Việc sử dụng hóa chất để tẩy trắng thủy hải sản vốn diễn ra thường xuyên tại chợ Long Biên. Dù năm nào cũng có trường hợp bị phát hiện, xử phạt nhưng sự việc này vẫn cứ liên tục tái diễn mà không có dấu hiệu dừng lại. Lý do là bởi số tiền xử phạt hành chính không đáng gì so với lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh thực phẩm bẩn mang lại.

Trong khi đó, việc khởi tố hình sự các đối tượng này đang gặp nhiều vướng mắc bởi phải chứng minh được hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, nếu cho chất cấm vào thực phẩm mà khiến nạn nhân ăn vào chết hoặc ngộ độc ngay thì đã không có đối tượng nào dám làm.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty luật hợp danh Thiên Thanh - Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: "Trong hệ thống pháp luật đang có những lỗ hổng chết người. Theo luật quy định có thể xử lý hình sự với người bị tổn thương từ 31% - 60% nhưng chưa có trường hợp ngộ độc nào đến mức đó. Điều đó có nghĩa tỷ lệ ấy đang có vấn đề, còn nếu xử phạt hành chính thì không khác nào dạy người ta cách chống đối".

Số lượng bệnh nhân đến với các cơ sở của Bệnh viện K ngày càng nhiều thêm và trẻ ra. Rất nhiều căn bệnh ung thư được xác định có nguồn gốc từ thực phẩm bẩn. Trong khi đó, những lỗ hổng cả về quản lý và pháp lý vẫn là cơ hội cho các đối tượng gian thương trục lợi trên sức khỏe của người tiêu dùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước