Muôn kiểu chờ đền bù

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 31/03/2022 19:49 GMT+7

VTV.vn - Chỉ sau vài ngày những ngôi nhà, chuồng trại đã được dựng lên để chờ đền bù đất đai. Hàng loạt hành vi có dấu hiệu "trục lợi" đã và đang tái diễn ở nhiều địa phương.

Tại tỉnh Bắc Giang, khi nghe ngóng thông tin: chuẩn bị triển khai tuyến đường quốc lộ vành đai của huyện Lục Nam, nhiều gia đình đã trồng các loại cây mới có giá trị cao chờ đền bù dự án. Có hộ dân còn xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp trong phạm vi giải phóng mặt bằng.

Mốc giới vừa được cắm cách đây 20 ngày. Trước đó khoảng 1 tháng, ngay trên khu vực lòng đường, hàng loạt cây được trồng chen chúc.

Toàn bộ nhà ông Đức nằm trong khu vực lòng đường đi qua. Ông được các hộ gia đình khác rủ trồng thêm cây vào diện tích đất của gia đình. Những khu vườn trồng vải - được xen cây sưa, cây đinh lăng, cây táo.

Muôn kiểu chờ đền bù - Ảnh 1.

Nhiều gia đình đã trồng các loại cây mới có giá trị cao để chờ đền bù dự án.

Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, người dân mua 1 cây đinh lăng giá 1.500 đồng; cây táo: 230.000 đồng; cây sưa trên 1 triệu đồng. Nhiều người dân cho biết nghe thông tin một số địa phương bên cạnh đã được đền bù với mức giá các loại cây từ gấp 4 - 10 lần số tiền này.

Có những gia đình thuê 4 nhân công trồng gấp rút trong 1- 2 ngày với số lượng từ hàng nghìn đến hàng vạn cây.

Tuyến đường tránh của huyện Lục Nam do UBND huyện làm chủ đầu tư đi qua 31ha đất của xã Tam Dị và thị trấn Đồi Ngô.

Chính quyền huyện Lục Nam cho biết dù chưa có quyết định thu hồi đất và chưa có thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng nhưng khoảng 1 tháng nay xảy ra tình trạng người dân ồ ạt trồng mới cây có giá trị kinh tế cao.

Tại xã Tam Dị đã lập biên bản 4 hộ vi phạm. Ngay cả giếng khoan, bể nước và cả những công trình tạm cũng đã vội vàng được dựng lên. Nhiều người dân biết việc làm của mình là sai nên từ chối chia sẻ thông tin cho phóng viên.

Còn tại miền Trung, điển hình là khi dự án cao tốc Bắc - Nam chỉ mới đang ở giai đoạn bàn giao, cắm mốc mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thế nhưng đã có hàng trăm công trình dân sinh tự phát được cấp tốc dựng lên với mục đích trục lợi chênh lệch giá đền bù.

Tính riêng địa bàn tỉnh Quảng Bình, hiện đã có hơn 100 công trình dân sinh, các hạng mục nông nghiệp đi tắt, đón đầu xây dựng chờ đền bù. Nhiều hạng mục công trình lớn với diện tích hàng trăm mét vuông mọc lên chỉ sau một đêm với tường bao bằng gạch và vật liệu xây dựng ngổn ngang. Nhiều khu vực trong phạm vi 1km, có đến hàng chục công trình đua nhau xây dựng.

Đó là lý do của nhiều hộ dân khi chính quyền kiểm tra và cho rằng không hề nhận được thông báo không được phép xây dựng trên đó. Nhiều hộ kinh tế khó khăn cũng vay mượn để xây dựng mặc dù không có nhu cầu về chăn nuôi. Nhiều khu vực mồ mả cũng được tu sửa, vun đắp lại, thậm chí có cả những ngôi mộ giả.

Trên địa bàn xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hộ gia đình ông Hải có 400m2 đất, sau khi nắm được thông tin dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua đây, gia đình ông đã cấp tốc trồng thêm cây ăn quả vào trong vườn và chủ động xây dựng một số công trình phụ trợ nhằm đón đầu chờ đền bù. Cũng trên địa bàn xã, chính quyền địa phương đã phát hiện 7 trường hợp tương tự.

Trên chiều dài hàng chục km, nơi có tuyến cao tốc Bắc Nam đi qua của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tình trạng xây dựng các hạng công trình trái phép diễn ra phức tạp.

Đến mồ mả của ông bà tổ tiên mà còn tạo giả để được hỗ trợ tiền di dời đúng là khó chấp nhận. Việc người dân "đi tắt, đón đầu" chờ đền bù không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng như các địa phương khác. Không có định hướng từ đầu, không lường trước vấn đề khiến chính quyền cơ sở có thể bị thụ động trong giải quyết, ngăn chặn tình trạng này.

Để phục vụ triển khai dự án đường cao tốc Bắc -Nam, tỉnh Hà Tĩnh phải giải phóng mặt bằng 900ha đất các loại, di dời 589 hộ dân và 700 ngôi mộ, đồng thời bố trí 21 khu tái định cư. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng là 3.900 tỷ đồng. Các địa bàn đều được tỉnh chỉ đạo phải xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm hoặc lợi dụng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án để trục lợi, gây ảnh hưởng tiến độ công trình trọng điểm quốc gia.

Tại Quảng Bình, hàng trăm công trình dân sinh đã mọc lên chỉ sau một thời gian rất ngắn ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Quảng Trạch. Các công trình đã được chính quyền địa phương lập biên bản xử lý. Một số hộ dân sau khi được nhắc nhở đã tự tháo dỡ các công trình sai phạm.

Dù tình trạng xây dựng đón đầu, chờ đền bù đã được kiểm soát nhưng trước việc hàng trăm công trình dân sinh được vội vã dựng lên như trên tuyến đường có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua cho thấy sự bất cập trong quản lý đất đai. Nó không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Để ngăn chặn cần có giải pháp giám sát, tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Dự án đường cao tốc là dự án trọng điểm quốc gia, các địa phương đã và đang tập trung phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án theo đúng tiến độ và bảo đảm sự đồng thuận.Việc người dân nghe ngóng dự án rồi xây dựng chộp giật nhằm trục lời vừa ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đền bụ, vừa làm chậm quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế của đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước