Đi lễ đầu năm để xin cầu những điều mình mong muốn thành sự thật là thói quen của nhiều người. Về mặt ngôn ngữ, "xin" là một động từ. Ngoài việc biểu thị thái độ khiêm tốn, lịch sự trong câu nói như: "Xin mời", "Xin cảm ơn"…, "xin" còn là một vế của "xin - cho". Đây là một tình huống giao tiếp thường gặp trong đời sống, trong đó, người xin muốn một cái gì đó mà người cho có nhưng không thể tự quyết việc lấy nó, thế là phải xin. Nhưng xin là một chuyện, còn được cho đến đâu lại là chuyện khác. Mỗi người sẽ có cách ứng xử khác nhau khi nhận về những kết quả của cuộc "xin - cho" này.
Cầu duyên ở chùa Hà
Chùa Hà là nơi cầu duyên nổi tiếng của nhiều bạn trẻ Thủ đô. Đang những ngày đầu năm, lại sát Lễ tình yêu 14/2 nên chùa Hà lúc nào cũng tấp nập người ra vào những ngày này. Các bạn trẻ đến đây đều chung một mong muốn là sẽ sớm có đôi có cặp, tiến đến hôn nhân được thì càng tốt. Nhưng thường sẽ có 3 trường hợp.
Một là những người trẻ lần đầu tiên đi cầu duyên mang theo nhiều mong muốn, tò mò như đi thử vận may. Hai là những cặp đã được mọi sự như ý đến tạ lễ trong niềm hạnh phúc ngập tràn và trong ánh mắt ngưỡng mộ của những người trẻ còn cô đơn xung quanh. Và thứ ba là những người đã từng đến xin nhưng chưa nhận được gì, nay quyết tâm quay lại một lần nữa với tâm thế khác.
Quan trọng là trường hợp thứ ba, như cách ứng xử của một cô gái khi duyên chưa thành, dù đã đến chùa Hà cầu khấn từ 5 - 6 năm trước, đó là quay lại với ý nghĩ rằng duyên chưa tới có thể là do lần trước mình chưa thành tâm, lần này sẽ chu đáo hơn trong quy trình khấn cầu.
Thành tâm khi đi lễ
Theo suy nghĩ tự nhiên của nhiều người khi đi lễ tại những nơi linh thiêng, phải thành tâm thì thánh phật mới chứng giám cho mình. Nhưng thế nào là thành tâm mới là chuyện. Lúc này mỗi người mỗi cách, tựu chung lại là sẽ cẩn thận hơn để tăng chất và lượng của buổi đi lễ.
Trong thói quen đi lễ của nhiều người, tăng lượng nghĩa là thêm lễ vật cung tiến, thêm vàng mã được đốt, giọt dầu thì phải rải không sót ban nào, thậm chí là nhét cả vào khe cửa, chẳng cần quan tâm đến không gian tôn nghiêm nơi thờ tự. Một trong những người làm nhiệm vụ mệt nhất là người thu gom tiền lẻ rải rác khắp nơi trong cơ sở thờ tự.
Tăng về chất về cơ bản được hiểu là tăng sự kết nối với thánh thần. Vậy là một dịch vụ bao lâu nay vẫn bị lên án thì nay vẫn tồn tại ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) đó là khấn thuê. Dù Ban Quản lý đền đã để nhiều biển thông báo rõ ràng nhưng đội quân khấn thuê vẫn làm việc ngay tại biển thông báo rồi tràn cả vào sát điện thờ để chèo kéo khách.
Theo Ban Quản lý đền Bà Chúa Kho, khấn thuê bị cấm vì hoạt động này gây mâu thuẫn tiền nong giữa khách và người khấn và cả việc tranh giành khách của những người khấn thuê. Tất cả đều có nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Những người khấn thuê đồ nghề rất gọn nhẹ, chỉ có đài xin âm dương và quyển sổ nên việc phát hiện ra họ cũng gặp nhiều khó khăn. Còn với người đi lễ, họ cũng chỉ muốn chu đáo hơn trong việc cầu khấn.
Xét cho cùng thì mối quan hệ giữa con người và thần thánh trong những cuộc "kêu cầu - xin cho" gần như là một chiều. Nếu người đi xin có được điều mình muốn thì quá tuyệt vời nhưng nếu chưa thành công thì cũng chẳng có thánh thần nào hiện lên để nói với mình rằng mình sai ở đâu, thiếu chỗ nào mà chỉnh sửa. Thế là mỗi người mỗi phách, đều cố gắng thể hiện sự thành tâm của mình theo những cách khác nhau.
Xin mà muốn thành công thì phải hiểu người cho mình. Việc cầu xin thánh thần có lẽ nên được hiểu theo góc nhìn rằng: Thời điểm ai đó tới đền chùa để cầu xin một điều gì đó trong năm mới sẽ chính là lúc ta nhắc lại với chính mình về tầm quan trọng của mục tiêu đó để rồi hạ quyết tâm hoàn thành nó. Thánh thần sẽ chứng giám cho sự quyết tâm hành động đó và trở thành một điểm tựa tinh thần để mong muốn ấy trở thành hiện thực.
Hội Lim cấm hát quan họ "ngửa nón nhận tiền"
Cũng liên quan đến chữ "xin", những ngày đầu năm mới còn có một chuyện không mới nhưng nhìn từ những góc khác nhau sẽ trở thành một vấn đề khó xử trong dịp lễ hội đầu năm này. Đó là chuyện mà người ta vẫn gọi bằng cụm từ "ngửa nón xin tiền" trong Hội Lim tại miền quan họ Bắc Ninh.
Hội Lim Bắc Ninh năm nay đang vào những ngày sôi động nhất. Để đảm bảo an ninh cho hàng vạn du khách và giữ gìn nét đẹp của ngày hội, Ban tổ chức đã đưa ra danh sách các hành vi bị cấm tại Hội Lim 2023, trong đó có hình thức hát quan họ "ngửa nón nhận tiền" (theo từ cổ là "thướng tiền").
Tinh thần là không cho, không nhận tiền thướng khi hát quan họ nhưng nếu chính du khách tự muốn thướng tiền thì lại là vấn đề khó xử. Bởi bản chất việc thướng tiền là một thói quen trong biểu diễn, hát quan họ tại Bắc Ninh.
Có lẽ không nên kết luận gì về câu chuyện thướng tiền tại Hội Lim bởi xin và cho ngoài việc là mối trao đổi thì còn là sự kết nối phải xuất phát từ tâm của người cho và người nhận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!