Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ tích cực trong việc phòng chống tội phạm buôn bán người. Đặc biệt, từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, tội phạm mua bán người luôn có xu hướng gia tăng. Và không ít nạn nhân, khi ra đến nước ngoài, rồi bị cưỡng bức, bị hành hạ thì họ mới thấm thía những lời cảnh báo của cơ quan chức năng cũng như lời can ngăn của người thân trong gia đình.
Những phận người bị mua bán
Nhận được thông báo của Biên Phòng Tây Ninh đến để tiếp nhận người nhà về Việt Nam. Người phụ nữ không ngờ đó lại là lần cuối cùng bà được nhìn thấy đứa cháu của mình.
Người nhà nạn nhân mua bán người cho biết: "Nó gọi điện cho tôi bảo nội ơi, con qua bên Miên, con làm bên casino. Qua hôm sau nữa thì nó nói bà ơi bà cứu con với, bên này đòi tiền chuộc tới 7.000 đô, trời ơi, tôi đâu có tiền".
Không có tiền chuộc nên khi được lực lượng chức năng Việt Nam và nước bạn Campuchia phối hợp tìm cách giải cứu thì phát hiện cô gái đã không còn. May mắn hơn vì không bỏ xác ở nước ngoài, nhưng khi về tới Việt Nam thì một cô gái khác đã không thể đi lại được nữa.
Nạn nhân mua bán người: "Nếu như người nào làm không được thì nó sẽ yêu cầu người nhà gửi tiền chuộc, nếu không chuộc được thì nó sẽ bán đi chỗ khác hoặc bán nội tạng, tất cả đều có hình ảnh và video quay lại luôn".
Tra tấn, đánh đập, ép sử dụng ma túy là những gì mà rất nhiều nạn nhân đã phải chịu đựng khi tin vào những lời hứa hẹn trên mạng xã hội, rồi hầu hết khi trở về đều nhận được những kết cục cay đắng.
Nạn nhân mua bán người: "Người ta nhốt, rồi còng tay 24/24h. Treo ngủ. Ngồi không ngồi được, đứng không đứng được. Kêu cứu thì chả biết kêu cứu ai".
Nạn nhân mua bán người: "Em đi sang đó, vừa vào được công ty thì em bị thu hết tất cả hộ chiếu của mọi người và bảo ký hợp đồng trong vòng 6 tháng thì sẽ được trả lại passport. Trong quá trình em làm thì chịu áp lực không nổi nên bị đánh đập rất nhiều, bị chích điện 5 lần. Mỗi lần chích điện là mỗi kiểu khác nhau".
Qua hàng loạt chuyên án mua bán người bị triệt phá và những thông tin từ nạn nhân bị mua bán cho thấy, nạn nhân của tội phạm này chủ yếu là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, thậm chí lấy bộ phận cơ thể hay vì mục đích vô nhân đạo khác.
Có một thực tế là, dù tội phạm mua bán người có dấu hiệu gia tăng nhưng để phá được một đường dây mua bán người gặp rất nhiều khó khăn. Và càng khó khăn hơn nữa đối với việc giải cứu những nạn nhân này. Đơn giản vì hầu hết họ đều bị bán ra nước ngoài.
Nghẹt thở chuyến giải cứu cô gái bị bán ra nước ngoài
Hơn 6 tháng trời, vượt qua hành trình hơn 2.000km, cuối cùng cô gái này đã được trở về với vòng tay của mẹ.
Mẹ nạn nhân: "Cứu con em về được tới bên đây là em quá mừng. Em không biết nói gì hơn, em cứ nghĩ là con em không bao giờ có thể về được".
Để giải cứu được cô gái này về với gia đình, các lực lượng chức năng đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức thì mới đưa được cô trở về.
Trinh sát đội phòng chống mua bán người - Đoàn đặc nhiệm Biên Phòng Miền Nam: "Để giải cứu nạn nhân là cực kỳ khó khăn, vất vả. Nạn nhân không xác định được địa điểm bị các đối tượng mua bán người nhốt và khống chế nên chúng tôi không xác định được địa điểm. Các đối tượng mua bán người rất manh động, khả năng thủ tiêu nạn nhân rất cao. Chúng tôi buộc phải tiến hành từng bước một.
Hơn nửa năm trời ròng rã, bám sát nạn nhân rồi hướng dẫn biện pháp nghiệp vụ, tuy nhiên trong quá trình giải cứu nạn nhân từ Myanmar về Lào rồi về Việt Nam thì từ Myanmar về Lào đây là hành trình rất vất vả vì đây là tuyến đường di chuyển dọc theo suối. Tuy nhiên khu vực giáp ranh giữa Lào, Myanmar và Thái Lan rất phức tạp nên chúng tôi phải di chuyển ngược về Tây Bắc Lào để tránh trường hợp nạn nhân bị bắt, bị mua bán trở lại.
Sau đó mất hơn 10 ngày, nạn nhân mất liên lạc với tổ trinh sát. Rất may được người dân Lào và người dân Việt giúp đỡ thì chúng tôi mới giải cứu được nạn nhân về biên giới Việt Nam. Qua đó cho thấy công tác đấu tranh phòng chống mua bán người rất nặng nề, rất phức tạp. Đòi hỏi phải rất quyết tâm, quyết liệt thì chuyên án mới có thể thành công".
Lợi nhuận khổng lồ, chỉ sau buôn ma túy và vũ khí, vì vậy tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng phức tạp. Thời gian qua, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triệt phá hàng loạt đường dây mua bán người, giải cứu hàng trăm nạn nhân đưa về đoàn tụ cùng gia đình.
Triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm mua bán người
Trở về sau khi được lực lượng Biên phòng Tây Ninh của Việt Nam phối hợp với Hiến Binh Campuchia giải cứu, khi được hỏi, những nạn nhân này vẫn không nghĩ mình là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Nạn nhân: "Chị ấy nói là sang bên đó làm việc trên máy tính thôi. Họ trả 800 đô lương cơ bản, nếu làm tốt thì thưởng thêm".
Nạn nhân: "Người ta bảo là cứ qua chơi, không làm được thì về, em hỏi có cần hộ chiếu không thì họ bảo không cần hộ chiếu".
Chính vì mối quan tâm lớn nhất của các nạn nhân này chỉ là lương cao nên họ đã bất chấp xuất cảnh trái phép và không mảy may nghi ngờ mình đã trở thành con mồi của bọn buôn người.
Đối tượng buôn người: "Cứ 1 tháng em nhận được 800 đô, vừa làm phiên dịch vừa làm tuyển dụng. Cứ đưa được 3 người là em cũng được 800 đô".
Khảo sát của Biên phòng tỉnh Tây Ninh, chỉ riêng tuyến biên giới tỉnh này có tới hơn 20 casino đang hoạt động bên kia biên giới, trong mỗi casino này có rất nhiều công ty con và họ liên tục tuyển dụng lao động. Vì thế rất nhiều người Việt Nam đã nghe theo lời dẫn dắt để sang làm việc.
Đại tá Cao Xuân An, Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết: "Nạn nhân đồng ý qua đó làm thì chúng sẽ móc nối với các chân rết để làm hộ chiếu hoặc tổ chức cho các nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Campuchia".
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người đang diễn biến hết sức phức tạp.
Dù liên tiếp triệt phá các đường dây mua bán người nhưng những cạm bẫy mua bán người vẫn bủa vây những người nhẹ dạ, cả tin. Không chỉ ở nông thôn, miền núi mà ngay ở các thành phố lớn, dẫu nhiều vụ án đã được triệt phá, nhưng những con số thống kê chưa lột tả hết được thực trạng và quy mô của nạn mua bán người. Liệu có giải pháp nào để ngăn chặn tội phạm này?
Thực trạng và giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người
Từng đoàn người kéo nhau đi rồi cũng từng đoàn người được lực lượng chức năng hai nước có chung đường biên giới bàn giao cho nhau.
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn trưởng đoàn đặc nhiệm Biên phòng Miền Nam: "Khi bàn giao về cho chính quyền địa phương thì lúc ấy chính quyền địa phương mới nắm được. Vấn đề đặt ra là việc quản lý công dân ở địa phương đó cũng là vấn đề".
Qua các chuyên án mua bán người đã được triệt phá cho thấy nạn nhân của tội phạm mua bán người bị cưỡng bức lao động và ép hoạt động lừa đảo trực tuyến ở nước ngoài chiếm số lượng nhiều nhất. Đứng sau là bóc lột tình dục. vậy nhưng để điều tra, xác minh là rất khó khăn.
Đại tá Vũ Xuân Đại, Phó cục trưởng cục phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Biên Phòng cho biết: "Tội phạm này là tội phạm ẩn nên trong quá trình điều tra xác minh đều trên mang nên việc thu thập chứng cứ chứng minh rất khó khăn. Tội phạm phát sinh luôn đi trước quy định pháp luật. Chúng ta phải nhanh chóng sửa đổi luật mua bán người, từng bước một chúng ta hoàn thiện quy chế phát luật thì tôi nghĩ sẽ giảm được loại tội phạm này".
Từ thực tiễn đấu tranh mua bán người thì ngoài việc bổ sung sửa đổi về mặt pháp luật thì các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tập trung vào nhóm có nguy cơ cao để nâng cao nhận thức, và quan trọng hơn cả là phải tăng cường xóa đói giảm nghèo dạy nghề và tạo việc làm. Chỉ có như vậy mới góp phần giảm thiểu tình trạng mua bán người như hiện nay.
Rủi ro có thể ở xung quanh ta, từ những người quen biết, người thân, từ nhưng công việc tưởng như an toàn, những lời mời chào hấp dẫn, thay đổi cuộc đời. Quan trọng là phải chuẩn bị kiến thức, tìm hiểu phát luật, quy định của nhà nước, để giữ mình luôn tỉnh táo trước những lời mời mật ngọt từ các đối tượng lừa đảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!