Nét đẹp Tết thầy

Phạm Hà, Văn Lương, Đình Hưng-Thứ hai, ngày 12/02/2024 22:06 GMT+7

VTV.vn - Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy! Tết thầy là một nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam ta.

Giữa dòng người du xuân, nhóm học trò này cùng với thầy cô của mình đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Đó là cách các em Tết thầy. Giữa nhiều câu chuyện về lịch sử của nơi này, các em được nghe các thầy cô của mình kể về thầy Chu Văn An. Khi đã là thầy của nhiều bậc đại quan trong triều đình, thầy Chu Văn An vẫn luôn trở về thăm người đã dạy dỗ mình khi có dịp. Câu chuyện giúp những học sinh này hiểu thấm thía hơn: biết yêu kính thầy, đó là đạo của trò.

Gần 1000 năm tồn tại nền giáo dục dựa vào Nho học và khoa cử, trong xã hội Việt Nam, người thầy được kính trọng như cha. Nhưng cũng vì vậy, thầy luôn phải giữ được cốt cách. Trong những câu chuyện Tết thầy, ngoài việc giáo dục học trò thì còn có những câu chuyện để người thầy soi lại chính mình.

Tết thầy cũng là lúc trở về với mái trường. Từ những ngày cuối năm cho đến khi sang năm mới, trường học này có truyền thống tổ chức không gian ấm cúng để đón mọi học sinh. Học sinh hiện tại và cả học sinh đã ra trường. Ngày Tết sum vầy, ai cũng được lì xì. Đó là chiếc huy hiệu của trường để nhắc nhớ cả thầy và trò lòng tự hào, biết ơn và cố gắng.

Ngày Tết thầy còn là dịp để nhắc nhở chính các nhà trường về trách nhiệm với các giáo viên của mình. Trường học có thực sự xem trọng vai trò của người thầy, tạo dựng môi trường dân chủ, hỗ trợ giáo viên phát triển thì những nhiệm vụ đổi mới trong công cuộc trồng người mới thực hiện được.

Khi người thầy xứng đáng là người thầy, thì chẳng cứ dịp Tết, chẳng cứ phải đến tận nơi thăm hỏi, những học sinh sẽ luôn dành sự tôn kính, lòng biết ơn với thầy cô của mình.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước