Áo dài từng là trang phục hàng ngày của phụ nữ Việt trước những năm 1970. Hiếm có trang phục nào vừa kín đáo, chuẩn mực, lại vừa tôn lên dáng vẻ thướt tha, mềm mại của người phụ nữ Việt Nam như chiếc Áo dài truyền thống. Chiếc áo mang trong mình tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Việt.
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hãy cùng nhau ngược dòng thời gian nhìn lại sự phát triển của Áo dài ở những thế kỷ trước cho tới nay:
Áo giao lãnh (thế kỷ 17) – Tiền thân của áo tứ thân
Kiểu dáng sơ khai nhất của chiếc áo dài là chiếc áo giao lãnh có thân áo được may bằng bốn tấm vải (bốn vạt). Áo giao lãnh khoác ngoài yếm lót, mặc cùng váy đen và thắt lưng màu tương tự như áo tứ thân, chỉ khác là hai vạt trước buông thả chứ không buộc trước bụng.
Khởi nguồn từ áo giao lãnh, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, áo dài đã có những cách tân, cải tiến để phục vụ nhu cầu ăn mặc, thuận tiện trong lao động cũng như làm đẹp.
Nguồn ảnh: Hiệp hội Thương mại Đông Dương (Pháp).
Áo dài tứ thân (thế kỷ 17)
Để tiện hơn trong việc buôn bán hay làm đồng áng, chiếc áo giao lãnh được thu gọn thành kiểu áo tứ thân với 2 vạt trước rời nhau (có thể buộc lại) còn 2 vạt sau may liền thành một tà áo. Vì là trang phục của tầng lớp bình dân, áo tứ thân thường có màu tối để tiện cho công việc. Người dân thời ấy dùng củ nâu, lá bàng giã nhỏ hay bùn dẻo dưới ao để nhuộm màu tự nhiên cho bộ áo tứ thân.
Nguồn ảnh: manhhai (flickr).
Áo dài ngũ thân (thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 20)
Phụ nữ thành thị ít phải lao động thường mặc áo ngũ thân để phân biệt mình với tầng lớp lao động nghèo. Áo ngũ thân có bốn vạt như áo tứ thân. Vạt con thứ năm được may dưới tà trước như một mảnh áo lót kín đáo. Áo có cổ và phom rộng, được mặc rộng rãi đến đầu thế kỷ 20.
Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu. Thân áo thứ năm tượng trưng cho địa vị của người mặc trong xã hội. Áo dài ngũ thân có 5 cúc cài tượng trưng cho đạo lý làm người của người Việt là: Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín.
Trong ảnh là sự phân biệt tầng lớp trong một gia đình, chủ mặc áo ngũ thân, người hầu mặc áo tứ thân (1884-1885)
Nguồn ảnh: tư liệu của Pháp.
Áo dài Lemur
Nguồn ảnh: manhhai (flickr).
"Le Mur" chính là cách dịch sang tiếng Pháp của Cát Tường – một họa sĩ tên Le Mur Nguyễn Cát Tường vào năm 1939 khi ông đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo ngũ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi.
Khác với phom dáng rộng truyền thống, áo dài Le Mur ôm sát đường cong cơ thể với nhiều chi tiết Âu hóa như tay phồng, cổ khoét hình trái tim, đính nơ… Đến năm 1943 thì kiểu áo này dần bị lãng quên.
Áo dài chít eo
Những năm 1960, áo dài chít eo thách thức quan điểm truyền thống trở thành kiểu dáng thời thượng.
Gần cuối thập kỷ 60, áo dài mini trở nên thịnh hành trong giới nữ sinh vì sự thoải mái, tiện lợi của nó. Tà áo hẹp và ngắn đến gần đầu gối, áo rộng và không chít eo nhưng vẫn may theo đường cong cơ thể.
Áo dài hiện đại (1970 – nay)
Sau những năm 1970, đời sống đổi mới đã khiến chiếc áo dài dần vắng bóng trên đường phố. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, chiếc áo dài đã trở lại với nhiều kiểu dáng, chất liệu khác nhau từ lụa đến voan, gấm… qua các bộ sưu tập đầy sáng tạo và phá cách của các nhà thiết kế.
Thậm chí, áo dài còn được biến thành áo cưới, áo tà ngắn để mặc với quần jeans. Nhưng dù biến hóa thế nào, áo dài vẫn giữ được sự duyên dáng, uyển chuyển, hồn cốt của nó, vừa gợi cảm vừa kín đáo mà không trang phục nào mang lại được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!