Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về xử lý thông tin báo chí phản ánh tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 tại Hà Nội.
Ngày 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo dân nguyện tháng 5 và 6, trong đó có ý kiến đề nghị xem xét liệu có phải thiếu trầm trọng trường cấp 3 công lập hay không?
Có thể thấy, câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội vẫn chưa hề giảm nhiệt.
Hà Nội sẽ tăng 29.000 học sinh THPT vào năm 2026
Năm nay, Thủ đô là nơi có thí sinh thi vào lớp 10 đông nhất của cả nước nên ước tính chỉ có gần 61% được vào học trường công lập. 3 năm tới, tình hình sẽ còn căng thẳng hơn.
Báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, sau 3 năm nữa, tổng số học sinh lớp 9 sẽ tăng thêm gần 29.000 em. Nếu khi đó, tất cả gần 152.000 thí sinh đều thi vào lớp 10 công lập thì áp lực sẽ lớn hơn bây giờ rất nhiều.
Căng thẳng giành suất vào lớp 10 công lập
Từ 1/7, con trai chị Hà đã kết thúc nghỉ hè. Nhà trường gửi thông báo các học sinh năm nay lên lớn 9 quay trở lại để ôn tập vào lớp 10. Ngoài học theo lịch của nhà trường, chị còn đang thuê thêm 3 gia sư cho con. Có ngày, cậu bé này học 3 ca.
Nhưng trong khu vực nội thành, cuộc đua không chỉ chờ đến lớp 9. Muốn vào được lớp 10 công lập thì phải vào được trường THCS tốt, muốn vậy thì phải ôn luyện từ bậc tiểu học. Con trai chị Bé năm nay lên lớp 4. Những ngày hè về quê, con chị vẫn có lịch học kín tuần. Đây là tài liệu từ các trung tâm để ôn luyện dần vào lớp 6 những trường có tiếng về chất lượng.
Một học sinh lớp 9 vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10. Những ngày ôn thi, em chỉ ngủ tối đa 5 tiếng. Các nhu cầu về phát triển kỹ năng hay rèn luyện sức khỏe đều bị xếp sau.
Gỡ nút thắt thiếu trường THPT công lập
Năm nay, vẫn có khoảng 30.000 học sinh ở Hà Nội không thể vào công lập. Áp lực tuyển sinh vào lớp 10 công lập hiện nay chỉ đặc biệt căng thẳng ở khu vực nội đô của các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Do dân số cơ học tăng mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố Hà Nội có những cái khó về quy hoạch. Nhưng rõ ràng, không thể tiếp diễn tình trạng quá tải tuyển sinh vào lớp 10 công lập như hiện nay.
Số trường THPT công lập ở khu vực nội thành Hà Nội đang thiếu, không tính trường chuyên, năm nay,
Quận Cầu Giấy có 5.660 thí sinh nhưng chỉ có 2 trường THPT công lập, lấy 1.440 chỉ tiêu. Quận Hà Đông, Hoàng Mai, Ba Đình đều có từ 4.000 - 5.000 thí sinh nhưng chỉ có 3 trường THPT công lập.
Hiện Hà Nội đang tiến hành việc di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường Trung cấp, cao đẳng, Đại học ra khỏi khu vực nội đô. Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị phải ưu tiên quỹ đất này để xây trường học công lập.
Hà Nội hiện cũng đã có chủ trương yêu cầu các dự án chậm tiến độ bàn giao lại cho các quận huyện để xây trường công lập. Trong bối cảnh khu vực nội đô rất thiếu quỹ đất, có những đề xuất về việc xây thêm tầng trong các trường học.
Từ kinh nghiệm của các nước, Việt Nam không phổ cập bậc THPT mà chủ trương phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực. Các em có thể học tiếp THPT hoặc Sơ cấp GDNN, Trung cấp GDNN, hệ giáo dục thường xuyên.
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ đều có những trường tuyển sinh với mức điểm rất thấp. Trung bình từ 2-3,5 điểm là đã đỗ.
Cũng ở Hà Nội, khu vực ngoại thành có tới 9 trường mà số thí sinh đăng ký vào thấp hơn cả chỉ tiêu của nhà trường. Có nghĩa là chỉ cần không bị điểm liệt là đã đỗ. Như vậy, việc phổ cập THPT sẽ là lãng phí khi học sinh không có nhu cầu và trình độ không phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!