Học sinh lớp 9 kết thúc nghỉ hè để ôn thi vào 10
Tuyển sinh vào lớp 10 công lập vẫn luôn là một trong những kỳ thi căng thẳng nhất. Đặc biệt ở các thành phố đông dân nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, từ hàng chục năm nay, kỳ thi này luôn khiến các gia đình lao tâm khổ tứ.
Năm nay, một chuyện chưa từng xảy ra là để có chỗ vào những trường ngoài công lập, phải đóng nhiều tiền hơn công lập mà phụ huynh cũng phải xếp hàng thâu đêm. Mỗi năm một căng thẳng hơn bởi số học sinh không ngừng tăng lên mà trường công lập thì không đủ chỗ. Vì thế, việc ôn luyện cho học sinh không phải chờ đến lúc vào năm học.
Ngay sau khi Hà Nội công bố điểm chuẩn năm nay, nhiều trường công lập và dân lập đã cho học sinh năm nay lên lớp 9 kết thúc nghỉ hè sớm. Các em trở lại với việc học để chạy đua trong cuộc thi vào lớp 10.
Từ 1/7, con trai chị Hà đã kết thúc nghỉ hè. Nhà trường gửi thông báo các học sinh năm nay lên lớn 9 quay trở lại để ôn tập 3 môn sẽ thi vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Để tránh vi phạm quy định học thêm vào dịp hè, nhà trường thuê một địa điểm bên ngoài cho học sinh. Ngoài học theo lịch của nhà trường, chị còn đang thuê thêm 3 gia sư cho con. Lịch học từ thứ 2 đến thứ 7. Có ngày cậu bé này học 3 ca.
Nhưng trong khu vực nội thành, cuộc đua không chỉ chờ đến lớp 9. Muốn vào được lớp 10 công lập thì phải vào được trường THCS tốt. Muốn vậy, học sinh phải ôn luyện từ bậc tiểu học.
Con trai chị Bé năm nay lên lớp 4. Những ngày hè về quê, con chị vẫn có lịch học kín tuần. Chị khẳng định, bạn bè mình đều như vậy.
Cuộc đua khốc liệt khiến phần lớp phụ huynh và học sinh phải dành tối đa thời gian cho việc học. Một học sinh lớp 9 vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 nhưng những ngày ôn thi, em chỉ ngủ tối đa 5 tiếng/ngày. Các nhu cầu về phát triển kỹ năng hay rèn luyện sức khỏe đều bị xếp sau.
Năm nay, tỷ lệ vào lớp 10 công lập của Hà Nội là khoảng 60% nhưng năm sau, chưa chắc đã đạt được con số này vì dự kiến số học sinh thi sẽ đông hơn.
Vì sao không phổ cập bậc THPT?
Phụ huynh, học sinh chạy đua vào công lập. Nhiều nhà trường cũng chạy đua để lấy thành tích. Nhưng năm nay, vẫn có khoảng 30.000 học sinh ở Hà Nội không thể vào công lập.
Rất nhiều người đặt câu hỏi, hiện nay, chúng ta đã phổ cập đến bậc THCS rồi, tại sao không phổ cập bậc THPT? Điều đó có nghĩa Nhà nước phải đảm bảo xây đủ trường để tất cả học sinh cứ học xong THCS là lên thẳng THPT, không phải thi tuyển, không phải chạy đua làm gì cho khổ. Phải đảm bảo quyền đi học THPT công lập cho mọi học sinh.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các quốc gia, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS để đảm bảo phục vụ cơ cấu nguồn lao động cho đất nước.
Năm 2011, Bộ Chính trị có chỉ thị số 10, trong đó phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.
Năm 2013, Nghị quyết số 29 của Đảng đã khẳng định mục tiêu đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS.
Năm 2016, Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân đã xác định học sinh tốt nghiệp THCS có thể học tiếp theo một trong 4 luồng sau:
- Trung học phổ thông
- Sơ cấp GDNN
- Trung cấp GDNN
- THPT bổ túc văn hóa theo hệ giáo dục thường xuyên.
Năm 2018, Chính phủ có Đề án phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.
Hiện nay, quy định sĩ số các trường THPT tối đa là 45 em trên lớp nhưng nhiều nơi vẫn vượt con số này. Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán chỉ cần giảm 10% sĩ số, quy mô giáo viên, trường lớp sẽ phải tăng thêm 10%. Nếu phổ cập THPT toàn quốc sẽ phải đầu tư một nguồn lực khổng lồ. Trong khi đó, áp lực vào lớp 10 công lập được xác định chỉ xảy ra mạnh ở các thành phố lớn.
Trên thực tế, không phải học sinh nào cũng có nhu cầu tiếp tục học THPT. Cậu con trai lớn nhà chị Hà sau khi học xong THCS đã chọn hệ 9+, vừa học văn hóa, vừa học nghề thiết kế đồ họa. Năm nay em sẽ vừa đi làm, vừa học tiếp cao đẳng.
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ đều có những trường tuyển sinh với mức điểm rất thấp. Trung bình từ 2-3,5 điểm là đã đỗ.
Thành phố Hồ Chí Minh:
- THPT Đa Phước, Bình Khánh, Cần Thạnh: 3,5 điểm/môn
Thành phố Hà Nội:
- THPT Minh Quang, Bắc Lương Sơn: 3,2 điểm/môn
Thành phố Cần Thơ:
- THPT Giai Xuân: 2 điểm/môn
Cũng ở Hà Nội, khu vực ngoại thành có tới 9 trường mà số thí sinh đăng ký vào thấp hơn cả chỉ tiêu của nhà trường. Có nghĩa là chỉ cần không bị điểm liệt là đã đỗ. Như vậy, việc phổ cập THPT sẽ là lãng phí khi học sinh không có nhu cầu và trình độ không phù hợp.
Không thể tiếp diễn quá tải tuyển sinh lớp 10 công lập
Áp lực tuyển sinh vào lớp 10 công lập hiện nay chỉ đặc biệt căng thẳng ở khu vực nội đô của các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về xử lý thông tin báo chí phản ánh tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 tại Hà Nội. Trước ngày 12/7 phải báo cáo Thủ tướng.
Ở một thành phố lớn, dân số cơ học tăng mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố Hà Nội có những cái khó về quy hoạch. Nhưng rõ ràng, không thể tiếp diễn tình trạng quá tải tuyển sinh vào lớp 10 công lập như hiện nay. Số trường THPT công lập ở khu vực nội thành Hà Nội đang thiếu.
Năm nay, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT công lập tại một số quận như sau:
- Quận Cầu Giấy có 5.660 thí sinh, nhưng chỉ có 2 trường THPT công lập, lấy 1.440 chỉ tiêu
- Quận Hà Đông có 5.472 thí sinh, có 3 trường lấy 2.295 chỉ tiêu
- Quận Hoàng Mai có 4.202 thí sinh, có 3 trường lấy 2.160 chỉ tiêu
- Quận Ba Đình có 3.796 thí sinh, có 3 trường lấy 1.900 chỉ tiêu
Với tỷ lệ trên, có những quận như Cầu Giấy, trường học mới chỉ đáp ứng khoảng 25% học sinh được vào lớp 10 công lập.
Khu vực nội thành là trung tâm chính trị của Thủ đô, người dân đặc biệt chú trọng đầu tư giáo dục cho con em mình ngay từ nhỏ. Vì thế, nguyện vọng của số đông là cho con tiếp tục học THPT nhưng nếu không được vào công lập, học các trường dân lập, tư thục sẽ là gánh nặng lớn về chi phí.
Trong rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo TP Hà Nội đã nêu quyết tâm lấy lại các dự án xây trường chậm tiến độ hoặc yêu cầu các dự án phải xây trường trước khi xây nhà. Tuy nhiên, tốc độ xây trường THPT công lập vẫn đang chậm trễ.
Vì quá sốt ruột, trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh hiến kế như mở thêm trường THPT ở các trường đại học, di dời các công sở trong nội thành ra ngoại thành, lấy đất xây trường. Hơn ai hết, phụ huynh, học sinh là những người mong mỏi có thêm trường. Không thể tiếp diễn tình trạng chen lấn để có một suất học lớp 10, ngay ở trung tâm thủ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!