Tiêm vaccine đến nay vẫn được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch COVID-19. Chiến dịch tiêm vaccine đã và đang được triển khai tích cực trên cả nước trong suốt 1 năm qua. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số ít người dân với nhiều lý do đã từ chối tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều. Hậu quả là khi mắc bệnh thì họ có nhiều những triệu chứng nặng.
Bệnh viện dã chiến số 8 là cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay với trung bình 800-1.000 bệnh nhân. Trong số hàng nghìn bệnh nhân này, đa số có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp, ung thư, phụ nữ mang thai và trẻ em. Điều đáng nói là hơn 50% trong số bệnh nhân này chưa tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 nào và 30% chỉ tiêm 1 đến 2 mũi.
Thời gian qua, các đợt tiêm vaccine đã được Bộ Y tế chọn lựa đối tượng ưu tiên lần lượt và cân nhắc một cách thận trọng, nhất là các đối tượng có bệnh nền và phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi. Thế nhưng, chỉ tính trong số gần 180 bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai hiện đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 8 thì có đến 80% chưa tiêm mũi vaccine nào.
Thực tế, hiệu quả của chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được chứng minh bằng sự so sánh hậu quả qua đợt dịch tại TP Hồ Chí Minh thời điểm từ tháng 5/2021 đến tháng 8/2021 khi tỷ lệ người dân được tiêm vaccine mới chỉ đạt dưới 30% và thời điểm hiện nay khi tỷ lệ này đã đạt trên 80% dân số.
Với 2.500- 3.500 ca nhiễm mỗi ngày nhưng số ca với các triệu chứng nặng phải nhập viện ở Nghệ An chỉ chiếm khoảng 10%-15%. Và những trường hợp này đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều là 2 hoặc 3 mũi.
Hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần nâng cao kiến thức, ý thức phòng dịch bằng việc thực hiện đầy đủ khuyến cáo của ngành y tế, trong đó tiêm vaccine và tiêm đủ liều khuyến cáo là thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình, với cộng đồng và góp phần giảm gánh nặng cho ngành y tế vốn đã rất áp lực lúc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!