Ảnh minh họa. Ảnh: Chinhphu.vn
Trong hơn 20 bệnh nhi mắc COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Đức Giang, Hà Nội, hầu hết có triệu chứng ho, sốt, tiêu chảy, nôn, mất nước, nguy cơ biến chứng viêm phổi... được chẩn đoán xác định ở mức độ trung bình. Duy có 1 trẻ sơ sinh bị nặng, suy hô hấp nhưng sang ngày thứ 3 thở oxy thì hiện đã ổn định. Trước đó, có 2 bệnh nhi 10 tuổi sau 3 ngày thở oxy do khó thở thì hiện sức khỏe cũng đã trở lại bình thường.
Ở người lớn cũng như trẻ nhỏ, khi mắc COVID có thể tăng khả năng đông máu nên khi điều trị tại viện, tùy từng trường hợp sẽ được bác sỹ chỉ định xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi. Thêm vào đó là xét nghiệm để đánh giá tình trạng viêm nhiễm, từ đó đưa ra chỉ định thuốc kháng viêm cũng như kháng virus. Đây là những loại thuốc phải do bác sỹ chỉ định với sự cân nhắc cẩn trọng tại bệnh viện, chứ không thể áp dụng để tự điều trị cho trẻ tại nhà.
Tại Bệnh viện Đức Giang, Hà Nội, trong số trẻ mắc COVID-19 đến khám, chỉ 0,5 đến 1% có triệu chứng phải điều trị, chưa có bệnh nhi nguy kịch. Qua đây, các bác sỹ khuyến cáo, cha mẹ không nên quá lo lắng khi con có kết quả dương tính nhưng cũng không nên có tâm lý chủ quan.
Khi trẻ mắc COVID, nếu không có nguy cơ tiến triển thì được điều trị theo dõi tại nhà. Khi trẻ sốt cao, uống thuốc hạ sốt không giảm, nôn trớ nhiều quấy khóc, không ăn uống được thì nên đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị.
Đó là tình hình tại Bệnh viện Đức Giang, nơi điều trị COVID-19 cho trẻ em tại Hà Nội. Còn trên toàn quốc, mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra những con số thống kê về COVID-19 ở trẻ em. Tính từ đầu dịch đến nay, cả nước đã có hơn 490.000 trẻ em mắc COVID-19.
Hơn 19% người mắc COVID-19 là trẻ em
Từ đầu mùa dịch đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em là hơn 19% trong tổng số ca mắc. Trong đó tỷ lệ mắc cao nhất là trẻ 6-12 tuổi, thấp nhất là trẻ từ 3-5 tuổi.
Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% số tử vong chung. Tỷ lệ giữa các lứa tuổi không chênh lệch nhau nhiều.
Điều trị Covid-19 cho trẻ em. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống.
Qua phân tích gần 2.500 trẻ mắc COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh, có 165 trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có gần 14% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.
Như vậy, đáng chú ý nhất là con số 0,42% - đó là tỷ lệ tử vong ở trẻ em do COVID-19 so với tổng số ca tử vong. Tại Hội nghị tập huấn về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 hôm qua (17/2), PGS.TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhận định: số tử vong ở trẻ em dù ít nhưng chúng ta vẫn phải bảo vệ nghiêm ngặt nhóm thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mạn tính, những trẻ bị suy giảm miễn dịch bởi khi những trẻ này nhiễm COVID-19 thì khả năng chuyển nặng và nguy cơ tử vong cao hơn.
Còn tại Mỹ, năm 2022 bắt đầu cũng là lúc số trẻ mắc COVID-19 tăng cao. Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy, số trẻ em phải nhập viện điều trị COVID-19 ở nước này đang ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong số trẻ em phải nhập viện do COVID-19, tỷ lệ trẻ em từ sơ sinh đến 4 tuổi - độ tuổi chưa đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở mức cao nhất. Tình hình hiện tại cụ thể như thế nào?
Tỷ lệ nhập viện, tử vong ở trẻ em tại Mỹ thấp
Theo số liệu của Hiệp hội các bệnh viện nhi của Mỹ công bố ngày 10/2, tổng số trẻ em Mỹ mắc COVID-19 đến nay là 12,3 triệu, chiếm 18,9% tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này. Trung bình cứ 100.000 trẻ em thì có 16.300 em dương tính.
Trong hai tuần kết thúc vào ngày 10/2 thì tổng số trẻ em mắc COVID-19 đã tăng 8,2% và chiếm 21,9% tổng số ca nhiễm mới tại Mỹ trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên chỉ có từ 0,1% đến 1,5% số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện, chiếm tỷ lệ từ 1,5% đến 4,6% tổng số ca nhập viện do COVID-19 tại Mỹ.
Số liệu từ 46/50 bang cho thấy tỷ lệ trẻ em tử vong do COVID-19 chưa đến 0,01% tổng số trẻ dương tính và chiếm chưa đến 0,23% tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ.
Có thể thấy dù số trẻ em Mỹ dương tính với COVID-19 là khá cao và có chiều hướng tăng thời gian gần đây song tỷ lệ nhập viện và tử vong là rất thấp.
Đảm bảo an toàn trong trường học
Theo CDC Mỹ, tính đến ngày 17/2, số trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi đạt 32,2%, tiêm đủ liều là 24,6%; còn trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi đạt 67,1% và tiêm đủ liều đạt 57,1%. Con số này được cho là khá thấp và là nguyên nhân khiến số trẻ em phải nhập viện tăng nhanh gần đây, nhất là khi xuất hiện biến thể Omicron.
Từ cuối tháng 8 năm ngoái, tất cả các trường học của Mỹ đã mở cửa trở lại. Để đảm bảo an toàn, tất cả giáo viên và nhân viên nhà trường đều phải tiêm đủ liều vaccine. Mỗi sáng học sinh đều phải khai báo y tế và phải đeo khẩu trang trong trường. Nhiều trường xét nghiệm ít nhất 1 lần một tuần cho tất cả học sinh và giáo viên. Những em nào dương tính phải ở nhà ít nhất 7 ngày và chỉ trở lại trường sau 2 lần xét nghiệm âm tính. Những em tiếp xúc gần cũng phải ở nhà 5 ngày và chỉ đến trường khi xét nghiệm âm tính.
Để đảm bảo chất lượng học, hiện nhiều trường vẫn duy trì phương thức học trực tuyến, giao tài liệu và bài tập cho các em cách ly tại nhà. Có trường còn tổ chức những buổi phụ đạo cho các em có nhu cầu. Những bài tập hay bài kiểm tra bị lỡ khi cách ly có thể được làm lại hoặc được miễn. Học sinh nghỉ quá nhiều được bố trí học lại trong hè.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!