Vắng lặng không một bóng người, Công viên Thiên văn học có diện tích 12ha, được đầu tư và hoàn thiện gần 3 năm nay nhưng chưa từng mở cửa cho người dân xung quanh vào chơi.
Được quảng cáo từ 2016 là công viên ngoài trời đầu tiên ở Đông Nam Á lấy chủ đề thiên văn học, thu hút dư luận bởi không gian xanh và kiến trúc đẹp mắt bao quanh hồ Bách Hợp Thủy thế nhưng, người dân ở đây cũng đành ngậm ngùi tiếc nuối bởi không hiểu vì lý do gì, công viên khá đẹp mà lại đóng cửa để hoang cho cây cỏ dại dần xâm lấn.
Ảnh minh họa. Ảnh: Dân Trí.
Hà Nội hiện có gần 2.200 điểm vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã. Thế nhưng, chưa nhắc tới việc bị lấn chiếm dụng sử dụng sai mục đích thì hơn 40% các điểm vui chơi này, hệ thống trang thiết bị đã quá cũ kỹ mà suốt nhiều năm vẫn chưa được đầu tư cải tạo. Cùng với đó là hàng chục công viên, vườn hoa xây xong rồi bỏ hoang. Nghịch lý nơi thiếu chỗ chơi, nơi có lại bỏ hoang không biết tới bao giờ mới chấm dứt.
Đừng để lãng phí chỗ chơi cho trẻ em
Theo KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: "Có thể thấy chỗ nào cũng có những công viên trong quy hoạch nhưng rất nhiều năm lúc nào cũng trong tình trạng dở dang. Rồi những công viên mà vẽ ra là công viên nhưng thực ra vào đấy là những quán ăn là những mảnh đất bị chiếm nham nhở. Chúng ta thấy rằng cái nhìn nhận của các nhà quản trị TP với phần không gian xanh của TP của mình là không làm đúng trách nhiệm, chưa làm đúng thực sự, nó thể hiện cái năng lực cái bộ mặt quản trị của mình trong việc gia tăng chất lượng sống đô thị".
Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: "Công viên nó không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu mà nó còn là nơi để mọi người dân có thể đến hưởng thụ, nhất là Hà Nội khi mà mật độ dân số đông như thế. Rõ ràng công viên là để người ta đến để trao đổi giao lưu văn hóa, để người ta hít thở không khí trong lành, để người ta đưa trẻ con đến để giao tiếp nữa, nên công viên nó phải có cái mức độ hoàn thiện của nó. Khi công viên nó không hoàn thiện được theo cái mong muốn của người thiết kế thì rõ ràng là chúng ta bỏ phí đi một cái quỹ đất rất quan trọng".
Trên thực tế, thiếu sân chơi không chỉ là câu chuyện không của riêng những đô thị hay phố xá chật chội. Trẻ em ở nhiều vùng sâu vùng xa cũng rất thiếu thốn, có nơi các em phải đi bộ cả chục cây số mới đến được trường, nhưng học xong cũng không có chỗ vui chơi.
Với mong muốn ý tưởng tạo ra sân chơi từ những vật liệu cũ đã được nhóm tình nguyện "Lăn bánh ước mơ" bắt đầu triển khai từ 5 năm trước. Đến nay đã có 16 sân chơi từ Bắc vào Nam, là món quà ý nghĩa và thiết thực dành tặng các em nhỏ vùng cao và vùng khó khăn trên khắp cả nước.
Đem sân chơi đến cho trẻ em vùng khó
Xuất phát điểm tư những chương trình từ thiện lên vùng cao, anh Lê Hoài Nam - Trưởng nhóm Lăn bánh ước mơ và các bạn đã có suy nghĩ hãy tìm hiểu học sinh ở đây thiếu gì, cần làm gì để xây dựng cho các em những thứ bền vững và lâu dài.
Từ những chiếc lốp, thanh sắt, thanh gỗ qua bàn tay và công sức miệt mài của nhóm Lăn bánh ước mơ và chính các em nhỏ đã biến thành những chiếc xích đu, cầu trượt và nhiều trò chơi đa dạng sắc màu.
Sân chơi đến tận những bản làng xa xôi, giữa rừng, những trường nội trú, bán trú.
Háo hức say mê với niềm vui cho chỗ chơi đùa, nhưng hơn vậy, những sân chơi mà Lăn bánh ước mơ tạo ra còn hấp dẫn, lôi cuốn các em chăm tới trường hơn, yêu thích việc học hơn.
Mùa hè năm 2017, sân chơi đầu tiên của nhóm đã hoàn thành dành tặng các em học sinh Trường Dân tộc nội trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Mù, thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Tiếp sau đó, thêm 15 sân chơi được xây dựng trong vòng 5 năm là địa điểm giải trí của hàng triệu trẻ em; và cũng là công sức xây dựng của gần 1.000 bạn trẻ đến từ mọi miền Tổ quốc.
Hành trình Lăn bánh ước mơ sẽ còn được nối dài hơn nữa, bởi sân chơi của trẻ em cũng chính là ước mơ của người lớn
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!